Từ những thuận lợi và trở ngại... Là cửa ngõ phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội, cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc có lợi thế để phát triển du lịch với nhiều di tích và các danh thắng nổi tiếng. Trong đó, nổi bật có Khu du lịch Tam Ðảo, Tây Thiên, Ðại Lải, Ðầm Vạc...
Ðến đây, du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên còn nguyên sơ, hành hương viếng các chùa chiền. Vĩnh Phúc còn có ưu thế nằm sát Thủ đô Hà Nội, nơi cung ứng nguồn khách lớn, đồng thời là điểm nối giữa trung tâm du lịch này với kinh đô Văn Lang của các Vua Hùng. Hơn nữa, với tuyến đường Hà Nội - Lào Cai sắp hoàn thành, Vĩnh Phúc còn trở thành cầu nối giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nối liền Thủ đô với toàn bộ vùng Tây Bắc Tổ quốc.
Ðịa hình, cảnh quan đa dạng, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử độc đáo, nhưng có thể thấy số lượng các khu du lịch, vui chơi, giải trí còn rất ít. Thêm vào đó, những điểm du lịch, tham quan này, hoạt động dịch vụ quá sơ sài, không có nhà hàng, dịch vụ phụ trợ. Bên cạnh vấn đề chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa cao thì việc hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở địa phương cũng chưa hiệu quả, nhất là đối với các thị trường quốc tế, dẫn đến lượng khách nước ngoài đến du lịch Vĩnh Phúc rất thấp. Các đề án tiếp thị, giới thiệu điểm đến, xác định thị trường, dòng khách gần như không có...
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định tầm quan trọng của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tháng 11-2011, BCH Ðảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020. Trong đó, tập trung phát triển mạnh dịch vụ du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ đem lại giá trị tăng cao, phục vụ trực tiếp cho khu vực sản xuất, các ngành dịch vụ lợi ích công cộng, xã hội; hướng đến năm 2020, Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; phấn đấu đón hơn bốn triệu lượt du khách, trong đó có hơn 150 nghìn lượt khách quốc tế. Vĩnh Phúc sẽ chú trọng phát triển các tuyến du lịch có tính liên kết vùng, kết nối tua du lịch với các tỉnh, thành phố tới các điểm đến trong tỉnh. Trước mắt, nỗ lực tạo dựng một số thương hiệu sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương theo các hướng chủ đạo là du lịch tâm linh, về nguồn và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch thể thao mạo hiểm...
Ðến chiến lược phát triển bền vững
Nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đã mời gọi đầu tư xây dựng Tam Ðảo trở thành một huyện trọng điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh của tỉnh. Hệ thống khách sạn, nhà hàng ngày càng được nâng cấp và xây mới. Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Tam Ðảo đã có gần 100 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số hơn 1.500 phòng, trong đó có năm khách sạn đạt tiêu chuẩn từ hai đến bốn sao. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang có dự án đầu tư gần ba nghìn tỷ đồng để quy hoạch tổng thể phát triển du lịch - dịch vụ đến năm 2015, nhằm xây dựng khu du lịch "tam giác" với khu nghỉ mát Tam Ðảo, Tây Thiên - Thiền viện Trúc Lâm và khu Trung tâm Lễ hội văn hóa Tây Thiên ở chân núi Tam Ðảo thành một trọng điểm du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh của tỉnh và cả nước. Nhất là đề án phát triển du lịch Tam Ðảo 1 và Tam Ðảo 2 đã tính đến cặn kẽ về giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh trong việc bảo vệ rừng, kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn một cách hài hòa, bền vững. Ðã có nhiều chương trình hợp tác, dự án đầu tư được triển khai tại Tam Ðảo, trong đó có những dự án khá lớn được hoàn thiện như dự án của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng là chủ đầu tư hệ thống cáp treo có chiều dài 2.512 m. Ga đầu xuất phát từ Ðền Cậu có độ cao 120 m, ga đến ở chân Ðền Thượng, có độ cao 486 m so với mặt nước biển. Tổng mức đầu tư là 280 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Lạc Hồng còn thi công khu Trung tâm lễ hội văn hóa Tây Thiên, rộng 160 ha, nằm ở xã Ðại Ðình chân núi Tam Ðảo. Nằm trong khuôn viên Trung tâm lễ hội là ngôi Ðại Bảo Tháp, cao gần 30 m, rộng 1.800 m2, cũng đang được Công ty Lạc Hồng thi công với mức đầu tư là 50 tỷ đồng.
Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông đến các điểm du lịch, ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch mới có chất lượng cao, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và bổ sung, điều chỉnh các chính sách và cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trọn gói vào các khu du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển dịch vụ tại những danh lam, thắng cảnh đã tạo được ấn tượng: Tam Ðảo - Tây Thiên, Ðầm Vạc, Ðại Lải...
Làm tốt công tác quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp để ngành du lịch Vĩnh Phúc thu hút khách. Trong đó, nhanh chóng có giải pháp tận dụng tối ưu công nghệ thông tin để quảng bá và xúc tiến du lịch trên mạng in-tơ-nét, phối hợp các doanh nghiệp xây dựng một trang web du lịch Vĩnh Phúc để giới thiệu điểm đến. Quan trọng nhất là phải đưa ra những biện pháp liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để tạo sự đồng thuận trong kinh doanh, phát triển.
Việc tổ chức thành công sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Vĩnh Phúc, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 đã thu hút hàng trăm nghìn du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, tạo hiệu ứng quảng bá thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc với cả nước và khách quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm phát triển du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường, tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho du khách khi đến tham quan, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế đặc thù cho phát triển du lịch tại khu vực Tây Thiên, Tam Ðảo, Ðại Lải, Ðầm Vạc... sẽ là những tiền đề quan trọng để du lịch Vĩnh Phúc phát triển. Những năm qua, khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh và ổn định, bình quân hằng năm tăng 14%.
Khai thác tối đa thế mạnh tài nguyên và các điều kiện đầu tư ưu đãi, xây dựng các sản phẩm và loại hình du lịch phong phú sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế, hình ảnh của Vĩnh Phúc; chắc chắn trong tương lai không xa, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trung tâm du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái của vùng và cả nước.