Độc đáo tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Phú Thọ

Cập nhật: 04/04/2013
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ có từ xa xưa và đã trở thành một bản sắc văn hóa riêng biệt, có ý nghĩa sâu sắc, tạo nên một tâm thức về cội nguồn dân tộc Việt.

Nét văn hóa tâm linh độc đáo 

 

Từ nhiều đời nay, trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam, các thế hệ luôn hướng đến một điểm tựa tâm linh thiêng liêng trong sâu thẳm tâm thức của dân tộc. Đó là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

 

Việc thờ cúng Hùng Vương không chỉ là một hoạt động tâm linh đơn thuần như các hoạt động thờ cúng khác nhằm mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn của con người mà đó còn là hoạt động văn hóa mang tính chất cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam .

 

Người Việt coi Hùng Vương là Thủy tổ của dân tộc. Thờ cúng Hùng Vương là truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, nhưng cũng là truyền thống của nhiều tộc người ở Việt Nam

 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ khiến người dân cả nước Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của triết lý hướng về cội nguồn trong cuộc sống tinh thần của các cộng đồng địa phương...

 

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013 cho biết Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

 

 Năm Quý Tỵ 2013, Giỗ Tổ Hùng Vương do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức với sự tham gia của các tỉnh đại diện cho ba miền đất nước gồm Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Bình Định, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu). Lễ hội diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 4 đến 10/3 Âm lịch (tức ngày 13 đến 19/4).

 

Ông San cho biết thêm, mặc dù không phải là năm chẵn nhưng năm nay lễ hội được tổ chức hoành tráng bởi đây cũng là dịp để Phú Thọ đón Bằng của UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Ông Nguyễn Khắc Xương - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở phường Minh Nông thành phố Việt Trì khẳng định việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam có một đặc điểm là có Tổ nước (Quốc Tổ), trong khi các nước ở Đông Nam Á thì chỉ thờ cúng tổ tiên trong gia đình hoặc trong dòng họ. Việc thờ Quốc Tổ làm cho tất cả con cháu Lạc Hồng, dòng dõi Hùng Vương gắn bó với nhau hàng ngàn năm qua…

 

Di sản văn hóa của nhân loại

 

Ngày 6/12, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào không chỉ cho tỉnh Phú Thọ mà là cả dân tộc Việt Nam.

 

 Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng Tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

 

Bên cạnh đó, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” còn được đánh giá rất cao về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống” thể hiện qua việc được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng người dân Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ.

 

Ngoài ra, tín ngưỡng này còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học.

 

 “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam.

 

 Điều đó chứng minh cho toàn thế giới rằng văn hóa Việt Nam có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy của văn hóa thế giới.

 

 Trong hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” các nhà nghiên cứu đều chung một quan điểm rằng “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đạo lý uống nước nhớ nguồn trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nét đẹp văn hóa rất độc đáo có ý nghĩa sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được…

 

Cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản

 

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013 cho biết thêm để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của di sản này, cùng với việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của di sản, tỉnh Phú Thọ sẽ xây dựng một chương trình hành động báo cáo Chính phủ thông qua với một số nội dung chính.

 

Trong đó thứ nhất là tuyên truyền quảng bá tín ngưỡng một cách sâu rộng đến đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế để mọi người hiểu hơn về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hiểu thêm truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

 

Thứ hai là phải quan tâm, tiếp tục đầu tư, tôn tạo, tu bổ các nơi thờ tự Vua Hùng, vợ con các Vua Hùng và tướng lĩnh thời Hùng Vương bởi vì đó là những nơi mà chúng ta thực hành tín ngưỡng, đặc biệt là Khu Di tích lịch sử đền Hùng - nơi hội tụ, đỉnh cao - nơi mà mọi người Việt Nam thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

 

Thứ ba, phải tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2013, kết hợp với tổ chức đón Bằng công nhận di sản văn hóa này; tạo điều kiện tốt hơn cho người dân được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động Giỗ Tổ, bởi vì chính người dân mới là chủ thể, là người giữ gìn và lưu truyền bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.

 

Ngoài ra, việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý di sản văn hóa, đi đôi với chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên, khuyến khích họ gắn bó với nghề và tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa…

 

Tỉnh Phú Thọ cũng đã thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ như hoàn thiện kết qủa kiểm kê khoa học Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ, cập nhật hàng năm. Mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ vua Hùng ở nước ngoài; tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Phú Thọ; Xây dựng chính sách ưu đãi với người thực hành tín ngưỡng thờ các vua Hùng ở Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng, các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… ở nước ngoài để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu đã có từ trước đến nay về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học...

 

Theo ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng, bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Hùng Vương thông qua việc Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức một cách trọng thể trang nghiêm nhằm giáo dục cho mọi người dân biết ơn các Vua Hùng và những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt là một yếu tố then chốt quyết định sự trường tồn của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”./.

Nguồn: TTXVN