Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Hà Lan, vừa được đăng tải trên tạp chí Khoa học Địa lý tự nhiên (Anh), sự tan chảy của băng bao quanh Nam Cực đang gia tăng nhanh chóng trong mùa hè, góp phần làm tăng mực nước biển, đe dọa những khu vực địa lý thấp trên thế giới.
Tuy nhiên, về mùa đông, diện tích băng ở Nam Cực lại tăng do khối lượng nước lạnh lớn tan ra từ những dải băng mùa hè nhanh chóng bị đóng băng trở lại khi nền nhiệt độ giảm đột ngột.
Các nhà khoa học khí hậu trên thế giới từng miệt mài nghiên cứu nhằm giải thích nghịch lý về băng tại hai cực của Trái Đất, và cuối cùng kết luận thủ phạm chính là hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Diện tích băng xung quanh Nam Cực tăng đạt tới phạm vi kỷ lục trong mùa đông năm 2010. Điều này gây ra bởi sự tan chảy của các dải băng từ những vị trí thấp hơn.
Nước tan chảy từ băng là nước ngọt, nhẹ hơn nước biển nên nó tạo thành lớp nước lạnh nổi lên trên. Những lớp nước này vốn đã lạnh, khi gặp nền nhiệt độ -2 độ C, sẽ nhanh chóng đóng thành các lớp băng.
Theo nghiên cứu, ở những thời điểm lạnh nhất của mùa đông, băng xung quanh Nam Cực đã bao phủ một vùng rộng tới 19 triệu km2, lớn hơn cả diện tích đất Bắc Cực.
Ngoài ra, trong bản báo cáo nghiên cứu về Nam Cực của nước Anh trong năm 2012, các nhà khoa học cho rằng "gió cũng là thủ phạm" mở rộng diện tích băng ở Nam Cực vào mùa đông. Sự thay đổi trong hướng gió gắn với biến đổi khí hậu đã thổi lớp nước tan chảy đi xa hơn, vượt ra ngoài khơi. Lớp nước này như ta biết sẽ đóng băng trong mùa hè./.