Bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc ở Quản Bạ, Hà Giang

Cập nhật: 11/04/2013
Huyện Quản Bạ có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông chiếm trên 60%, còn lại là dân tộc Dao, Tày, Nùng, Giấy... Mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hoá riêng gắn liền với những nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình.

Nói đến dân tộc Mông hầu như người ta nghĩ ngay tới cây khèn, sáo, nhị và đàn tròn của dân tộc Giấy, Xuồng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều dân tộc vẫn đang giữ nguyên bản sắc các nhạc cụ dân tộc và được bảo tồn, lưu giữ ở nhiều phương diện khác nhau như: Trưng bày lịch sử, nghệ thuật; nhiều loại nhạc cụ trở thành hàng hoá mang đặc trưng riêng của người dân vùng cao được nhiều người biết đến, nhưng cũng có nhiều loại nhạc cụ do nhiều nguyên nhân khác nhau đã bị lãng quên, mai một hoặc có nguy cơ bị biến tướng do sự du nhập của nền kinh tế thị trường, của những dòng nhạc hiện đại.

 

Thực tế đã chứng minh điều này, không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có giá trị về tinh thần, cây khèn của dân tộc Mông đang là một loại nhạc cụ được ưa chuộng và bày bán rộng rãi trên thị trường với giá trị khoảng 400 - 600 nghìn đồng/chiếc. Song cho đến thời điểm hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hầu như những người biết và sử dụng được cây khèn không nhiều. Còn không nhiều nghệ nhân biết và sử dụng thành tạo, còn lại đa phần lớp trẻ hầu như không biết làm và sử dụng khèn. Vì thế, tuy đã trở thành sản phẩm hàng hoá nhưng vẫn chưa hình thành được những làng nghề truyền thống tại các địa phương trong huyện. Tương tự như vậy đối với các loại hình nhạc cụ khác cũng đang trong tình trạng này.

 

Trước thực trạng đó, tỉnh ta nói chung, huyện Quản Bạ nói riêng đang có nhiều các biện pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của các loại hình nhạc cụ dân tộc. Anh Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao và du lịch huyện Quản Bạ, cho biết: Để bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc, hàng năm Phòng, Trung tâm Văn hoá huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh việc tổ chức các buổi hội diễn văn nghệ, nghệ thuật tại các xã, thôn, làng văn hoá; tham mưu, phối hợp với các tổ chức chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động văn hoá quần chúng dân gian tại các xã, thôn, bản. Đưa các hoạt động liên hoan văn nghệ, thể thao vào các cụm dân cư, xây dựng và hình thành những Làng Văn hoá... Thông qua đó khơi dậy và phát huy được những nét độc đáo của các loại hình nhạc cụ dân tộc trong cộng đồng làng bản. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 115 đội văn nghệ quần chúng từ huyện đến thôn bản hoạt động, phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong các ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước. Trong năm 2012, Phòng Văn hóa và Trung tâm Văn hoá huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trong huyện tổ chức được 145 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, với hơn 1.000 tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc các vùng miền, phục vụ cho 30.000 người xem. Nhiều loại nhạc cụ dân tộc cũng theo đó được sử dụng một cách sinh động và hiệu quả.

 

Có thể nói, việc bảo tồn các loại hình nhạc cụ dân tộc đang là một hoạt động được tỉnh và các địa phương đặc biệt quan tâm, song bảo tồn dưới hình thức nào lại cũng là một vấn đề đáng bàn. Đối với huyện Quản Bạ, việc bảo tồn đó đã gắn liền với việc đưa vào sử dụng trực tiếp, lồng ghép với những tiết mục văn nghệ, những tiểu phẩm hoặc trưng bày tại các Làng Văn hoá đang được khích lệ, vừa để đề cao vai trò và tầm quan trọng của các loại hình nhạc cụ trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân, vừa tuyên truyền, giáo dục nhân dân nêu cao ý thức bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống trước các loại nhạc mới đang du nhập như hiện nay./.

Nguồn: Báo Hà Giang