Sáng 13/4/2013 tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Cà Mau, Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đã long trọng tổ chức trao bằng công nhận cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2.088 của thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã chúc mừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là Khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2.088 của thế giới; đây là niềm tự hào của chính quyền, người dân tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có vị trí địa lý, địa mạo độc đáo hệ sinh thái cửa sông, ven biển có tính đa dạng sinh học cao với hệ động thực vật phong phú, đa dạng… Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức nhất là việc sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái không hợp lý, không có quy hoạch phù hợp đã khiến cho nhiều hệ sinh thái bị suy yếu hoặc phá hủy, tình trạng di dân tự do, chặt phá rừng dẫn đến các hệ sinh thái đang bị giảm diện tích… Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ chế, bộ máy quản lý…đồng thời kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ kinh phí, nhân lực cho các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát triển bền vững tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên 41.862ha, trong đó diện tích đất liền là 15.262ha, diện tích tích ven biển 26.000ha. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có vị trí địa lý tự nhiên, địa mạo độc đáo tạo nên hệ sinh thái cửa sông, ven biển có tính đa dạng sinh học cao với hệ động thực vật phong phú, đa dạng có khoảng 60 loài cây ngập mặn, 93 loài chim, 32 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, đặc biệt đây là nơi sinh sản của các giống, loài thủy sinh có vai trò quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích đất lớn đất bãi bùn ngập triều và rừng ngập mặn với các loài chiếm ưu thế như Mắm, Đước cùng với hệ sinh thái ven biển thích hợp cho sự di cư, sinh trưởng, sinh sản của một số loài thủy sản, đồng thời đây cũng là điểm dừng chân và cư trú của các loài chim nước. Với đặc thù về tính đa dạng sinh học như trên, trong thời gian qua để thực hiện thốc công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch hành động về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, nhằm khoanh vùng bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù có tính đa đạng sinh học cao theo quy chế đặc biệt. các khu vực đất ngập nước và rừng phòng hộ ven biển đã được mở rộng diện tích từ các khu bảo tồn thiên nhiên trước đây nâng lên vườn Quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển, mở rộng đai rừng phòng hộ ven biển đông và có cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…