Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013: Hướng tới một lễ hội kiểu mẫu

Cập nhật: 18/04/2013
Ngày giỗ Tổ, người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều mong muốn được về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) dâng nén hương thơm lên tổ tiên, tưởng nhớ các Vua Hùng. Năm nay, chưa đến mùng 10 tháng Ba - chính lễ giỗ Tổ Hùng Vương nhưng Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã đón hàng triệu lượt người về dâng hương, vui hội.

Chuyển biến tích cực

Lễ hội Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, được tổ chức vào đầu tháng Ba âm lịch hằng năm, là một trong những hình thức biểu đạt tập trung nhất của tín ngưỡng thờ Tổ, là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngoài những ý nghĩa ấy, lễ hội Đền Hùng năm 2013 diễn ra trong niềm vui mới đón bằng công nhận "Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và từng bước hướng tới một lễ hội kiểu mẫu.

Lễ dâng bánh chưng, bánh giầy - một nét đẹp văn hóa trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Khôi Ngô

Lượng khách đông, không gian Khu di tích có hạn song những hình ảnh phản cảm như ăn xin, cờ bạc, hàng rong, chèo kéo khách… hầu như không có. Hệ thống hàng quán được quy hoạch gọn gàng, thức ăn chín để trong tủ kính, niêm yết giá công khai. Dọc các lối đi, từ sân trung tâm lễ hội lên đền Thượng, xuống đền Trung, đền Hạ rồi đền Giếng, đâu đâu du khách cũng gặp những tấm biển nhắc nhở người trẩy hội ứng xử văn minh: không mặc quần soóc, áo không tay, váy ngắn khi hành lễ, không vứt rác bừa bãi, đặt tiền "giọt dầu"… đúng nơi quy định. Trong các điểm di tích, hệ thống hòm công đức, khay đựng tiền "giọt dầu" được đặt ở những nơi hợp lý, có người thu gom. Tất cả các điểm ghi công đức đều có tấm biển ghi rõ nội dung tiếp nhận công đức, số điện thoại nóng của những người có trách nhiệm để kịp thời tiếp thu phản ánh của du khách. Đội ngũ nhân viên tiếp nhận công đức mặc đồng phục, đeo thẻ, tỉ mỉ ghi rõ số tiền công đức trên mẫu phiếu do Cục Thuế tỉnh Phú Thọ phát hành.

Giúp người dự hội hiểu hơn giá trị, ý nghĩa của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bảo đảm cho mùa hội mới diễn ra trong trật tự, an toàn, Ban tổ chức lễ hội bố trí đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên sẵn sàng hướng dẫn du khách. Hệ thống loa truyền thanh tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của di tích được đặt ở nhiều nơi. Lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự lên tới hàng trăm người, túc trực ở nhiều địa điểm để hướng dẫn nhân dân, giảm thiểu tình trạng tắc đường. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ lễ hội được chọn lọc, bố trí ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ khiến không khí lễ hội thêm rộn ràng.

Trong bối cảnh bức tranh lễ hội vẫn nhiều gam màu tối thì những chuyển biến tích cực ở lễ hội Đền Hùng năm 2013 phần nào khẳng định Phú Thọ đang từng bước hướng tới tổ chức một lễ hội kiểu mẫu.

Trao quyền bảo vệ di sản cho cộng đồng

Từ xưa đến nay, lễ hội Đền Hùng không thể thiếu vai trò tổ chức, quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, di sản đặc biệt này đã, đang duy trì sức sống trong bàn tay nuôi dưỡng của cộng đồng.

Có mặt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng mới thấy, hội trại văn hóa của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm nay không khác nhiều so với mọi năm nhưng vui hơn, mới hơn với các làn điệu hát xoan mượt mà, đằm thắm, với những nét văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc tương truyền có từ thời Hùng Vương. Trong hội trại văn hóa của huyện Tân Sơn, đồng bào Mường tái hiện văn hóa cồng chiêng, dệt vải, bắn nỏ… Trên sân khấu liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ lần 3, các đào xoan thướt tha trong những điệu múa mềm mại, miêu tả thôn nữ dự hội, du xuân.

Cùng với hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng được đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ giới thiệu, quảng bá qua nhiều hoạt động như: Lễ hội đường phố tại thành phố Việt Trì; đánh trống đồng, đâm đuống, múa sư tử tại nhà công quán (Đền Hùng); thi gói, nấu bánh chưng, bánh giầy; thi bơi chải trên sông Lô. Cách Đền Hùng khoảng 5km, hơn 6.000 người dân xã Hùng Lô gác lại mọi công việc thường nhật, chuẩn bị lễ vật, trang trí kiệu để rước lễ, tế thánh. Ở phía tây nam của khu di tích, xã Thanh Đình còn lưu giữ rõ nét tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp và nhân thần có công với nước qua các lễ hội như: "Lễ rước giải", "Rước ông khiu bà khiu", "Lễ tế thánh", "Lễ hú cờ"... Ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba, nhân dân sinh sống xung quanh 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương trên khắp mọi miền đất nước sẽ đồng loạt làm lễ dâng hương.

Trong Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị di sản "Tín ngưỡng Hùng Vương ở Phú Thọ" giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020, cộng đồng có trách nhiệm nâng cao nhận thức nhằm giữ gìn, phát huy giá trị to lớn, độc đáo của "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ"; hỗ trợ các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai kiểm kê khoa học tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương…

 

Nguồn: HNM