Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2013

Cập nhật: 26/04/2013
Từ ngày 26/4 đến 5/5/2013, tại trung tâm thị trấn Sa Pa và các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Tả Van… sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trong khuôn khổ Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2013.

Theo dự kiến, các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2013, gồm có: Khai mạc Lễ hội trên mây năm 2013 vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 27/4/2013 tại sân Quần thị trấn Sa Pa. Phần hội với chương trình nghệ thuật “Ngày hội vùng cao”; Chương trình triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày những bức ảnh thổ cẩm các dân tộc huyện Sa Pa tại nhà trưng bày Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai tại Sa Pa và trưng bày ảnh “Sắc màu Sa Pa”, tại sân Quần. Công viên Vạn Hoa (khu vực Đài sen – Thư Bác) sẽ là nơi trưng bày hoa, cây cảnh đặc hữu của Sa Pa.

Sa Pa đã bắt đầu nhộn nhịp.

Từ 9 giờ đến 12 giờ ngày 28/4/2013, tại thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ tổ chức Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của dân tộc Mông như: Mời bạn đóng làm cô dâu, chú rể người Mông; xay ngô làm mèn mén, làm bánh dày, tổ chức các trò chơi dân gian; trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông như rèn, đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài…

Chợ tình Sa Pa được tổ chức từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút và 21 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút ngày 27/4/2013, trên các tuyến phố Thác Bạc, Cầu Mây, Hàm Rồng, Xuân Viên, thị trấn Sa Pa, với các nghi thức hát giao duyên của người Dao đỏ, cảnh kéo vợ của người Mông.

Lễ hội “Một ngày làm nông dân” được tổ chức từ 8 giờ 30 phút ngày 27/4/2013 tại xã Tả Phìn, ở đây du khách có thể tham gia các hoạt động sản xuất với người dân; tham quan một số mô hình Homestay, tour đi rừng lấy lá thuốc, học cách sử dụng thảo dược, chuẩn bị bữa ăn truyền thống và thưởng thức ẩm thực dân tộc; tham quan và học cách làm thổ cẩm, thêu hoa theo quy trình truyền thống của người Dao đỏ; khám phá ngôi nhà và phong tục truyền thống dân tộc Dao…

Từ 9 giờ đến 16 giờ ngày 27/4/2013, tại xã Tả Van sẽ diễn ra Lễ cấp sắc của người Dao đỏ. Đây là nghi lễ mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong cấp sắc, luôn được người Dao giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc, góp phần làm giàu đẹp hơn văn hóa các dân tộc huyện Sa Pa.

Trong khuôn khổ Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2012 còn có các hoạt động như: Giải quần vợt Cúp Phan Xi Păng mở rộng lần thứ VI; Hội chợ Du lịch thương mại du lịch Sa Pa. Nét mới trong Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2013 là sẽ có Hội thi khèn, sáo và trang phục các dân tộc huyện Sa Pa vào lúc 20 giờ, ngày 28/4 tại sân Quần, thị trấn Sa Pa.

Từ 9 giờ 30 phút ngày 30/4 đến hết ngày 1/5/2013, tại Khu du lịch Hàm Rồng sẽ diễn ra Ngày hội văn hóa dân gian với các nội dung như: Văn nghệ dân gian, với các tiết mục đặc sắc của 5 dân tộc anh em Mông, Dao, Tày, Dáy, Xa Phó; tổ chức các trò chơi dân gian: dựng cây đu, cây nêu; trưng bầy các sản phẩm trang sức, một số dụng cụ sản xuất, nhạc cụ đặc sắc; tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc…

Sa Pa đã sẵn sàng cho ngày hội.

Tính đến thời điểm này (25/4), công tác chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa, lễ hội, thương mại và thể thao đang diễn ra hết sức tích cực, khẩn trương. Ông Lê Mạnh Hảo, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Sa Pa cho biết: Phòng đã cử tất cả các cán bộ tới các địa điểm tổ chức ở thị trấn và các xã để kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị cho lễ hội. Hoa, cây cảnh, ảnh thổ cẩm, ảnh nghệ thuật… đều đã được chuẩn bị hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng. Quan sát tại trung tâm thị trấn Sa Pa chúng tôi thấy, mặc dù trời nắng, nhưng không khí khá dễ chịu, đường phố đã được quét dọn sạch sẽ, với nhiều hoa, cây cảnh, băng rôn chào mừng, tuyên truyền về ngày lễ... Lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự đô thị liên tục tuần tra, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian diễn ra lễ hội./.

 

Nguồn: Báo Lào Cai