Ngày 2/5, trước lúc chia tay với Festival Nghề truyền thống Huế 2013, bà Mai Thị Hợp, chủ cơ sở dệt zèng ở A Lưới nói trong sự luyến tiếc: Dệt zèng (vải thổ cẩm) những năm gần đây không còn xa lạ với người dân xứ Huế và du khách, nhưng để tận mắt chứng kiến sản phẩm từ chính đôi bàn tay khéo léo của những thợ dệt tài hoa của người Tà Ôi làm ra thì không phải ai cũng có cơ duyên đó.
Chính vì thế, dệt zèng A Lưới đến Festival Nghề truyền thống Huế 2013 đã thu hút được sự quan tâm của khách gần xa, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài trong suốt thời gian lễ hội.
Đây cũng là lần đầu tiên, dệt zèng A Lưới "xuống phố", để cùng với các làng nghề tiêu biểu trong cả nước tham dự Festival nghề truyền thống Huế 2013. Được bố trí bày trí vào gian chính diện của công viên Tứ Tượng, nơi trưng bày sản phẩm của các làng nghề, dệt zèng A Lưới lúc nào cũng thu hút khách. Theo bà Mai Thị Hợp, những sản phẩm dệt zèng trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân thì nay với đủ hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng như khăn, túi, khố...đi kèm kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới và chọn mua làm quà lưu niệm khi về. Đây cũng là dịp để sản phẩm dệt zèng được giới thiệu, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh làng nghề truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước.
Dệt zèng của A Lưới được đánh giá có chất lượng tốt và có tính sáng tạo rất cao. Hiện nay nguyên liệu thường dùng để dệt zèng là sợi coton, sợi chỉ hoặc sợi len. Tấm zèng thường được người thợ dệt sử dụng các gam màu đỏ, trắng, vàng, đen... Trong đó, sợi dệt truyền thống là sợi coton 100% (sợi bông), sợi coton dệt thành vải zèng được người dân và khách du lịch ưa chuộng nhất nhờ chất vải mềm, về mùa hè mặc mát và hút mồ hôi, về mùa đông thì ấm. Những người thợ dệt zèng thường có tay nghề rất thuần thục và rất tâm huyết thì mới có thể dệt ra những tấm zèng tốt.
A Lưới hiện đang bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa của người bản địa. Các giá trị văn hóa ấy được thể hiện trong chính ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào. Tiêu biểu là nghề dệt zèng nghề của người Tà Ôi ở huyện A Lưới. Đây là nghề có từ rất lâu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó, vai trò người phụ nữ, người mẹ vô cùng quan trọng, bởi khi có con gái lớn lên đều phải biết dệt những tấm zèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại. Con gái lớn đến tuổi lấy chồng, cô dâu còn phải dệt được tấm zèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng, đó còn là thuớc đo vẻ đẹp của những cô gái…Bởi vậy, dệt zèng đã trở thành nghề không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc ở đây.
Tại xã A Đớt, từ năm 2004 đã hình thành cơ sở dệt zèng, từ 38 thành viên ban đầu, đến nay đã tăng lên 62 người. Từ hoạt động hợp tác này, đã tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho chị em phụ nữ trong xã. Dệt zèng ở A Đớt, sản phẩm không chỉ dừng ở mức tiêu thụ nội địa mà đã bán ra các vùng khác như Đắkrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam)... Sản phẩm dệt zèng chủ yếu dùng để may áo, váy trang phục thổ cẩm, ngoài ra được sử dụng may các loại khăn, túi đeo, các loại nịt, mũ... Trung bình mỗi tấm vải dèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 150.000 -500.000 đồng, có loại đến gần 2 triệu đồng, tùy theo sự lựa chọn của khách hàng (thường loại có cườm trang trí đẹp mắt giá cao hơn). Để làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm hoàn thiện, người phụ nữ Tà Ôi đã bỏ công sức dệt từ khâu chuẩn bị sợi, lên khuôn và dệt vải phải mất đến cả tuần, nhất là vải dèng có hạt cườm thì các chị thêu dệt khá công phu, kỳ công, tỷ mỉ hơn cả. Mấy năm gần đây, A Đớt đã bán được hàng qua các đầu mối tiêu thụ tại các quầy, shop tại Huế, Hà Nội, các điểm như Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.
Hiện nay tại A Lưới, nguồn nhân lực có tay nghề là người bản địa rất lớn, nếu được đầu tư đúng mức, thì nghề dệt zèng ở đây còn vươn xa, ngày càng đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng không chỉ trong nội địa mà còn được quảng bá bán ra thị trường rộng hơn./.