Phát triển du lịch chất lượng cao - Hoàn chỉnh quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 08/05/2013
Thời gian qua, nhiều nơi khai thác du lịch theo kiểu “tận thu” và không có biện pháp bảo vệ, hoàn nguyên khiến nhiều danh lam thắng cảnh không còn giữ được nét đẹp hấp dẫn.

Hoàn chỉnh quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường

 

Theo đánh giá của ngành du lịch, hiện nay, khoảng 70% du khách quốc tế từng đến Việt Nam không có ý định quay trở lại. Một trong những lý do là sản phẩm du lịch đơn điệu, hầu hết mới khai thác tiềm năng, những thứ sẵn có để phục vụ du lịch. Anh Chirtophe, du khách Pháp nhận xét: “Tôi đến Việt Nam cách đây gần 10 năm, đi thăm Hạ Long thấy thật đẹp nhưng nay đi lại vẫn chỉ là tour du thuyền ngắm cảnh, các dịch vụ đi chơi khám phá vẫn chưa nhiều”. Đó cũng là tâm trạng của nhiều du khách khi quay trở lại Việt Nam.

 

Khai thác “thô”

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận: Xét ở yếu tố tâm lý khách hàng, nếu chỉ đến khám phá, ngắm cảnh thì chỉ đi một lần. Còn nghỉ dưỡng, hưởng các dịch vụ mới đi nhiều lần. Trong khi đó, các sản phẩm của du lịch Việt Nam mới dừng lại ở mức khai thác tiềm năng vốn có. Do chỉ khai thác nguồn tài nguyên dạng “thô” nên chỉ thu được nguồn lợi nhuận thấp.

 

 

 

VITM 2013 tại Hà Nội.

Đó là lý do vì sao khi khách du lịch đến Việt Nam, chi phí cho đi lại ăn uống, ngủ chiếm 70% giá thành, trong khi đó du lịch Thái Lan, chi phí dịch vụ chiếm tới 70%. Việc khai thác du lịch đơn thuần ở dạng tiềm năng dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan dẫn đến nguồn tài nguyên du lịch bị tác động nghiêm trọng.

 

 

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, nguyên nhân chủ yếu là việc thực hiện quy hoạch của địa phương không đúng với quy hoạch ngành. Ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết: “Đánh giá quy hoạch du lịch giai đoạn 1995-2010 cho thấy, khá nhiều địa phương không thực hiện đúng quy hoạch ban đầu. Đơn cử như tại đảo Tuần Châu (Hạ Long), quy hoạch ban đầu là xây cầu bắc tới đảo nhưng chủ đầu tư đắp đường ra đảo để giảm chi phí và đã làm thay đổi dòng nước chảy tuần hoàn xung quanh đảo, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi có ý kiến của các chuyên gia môi trường, chủ đầu tư mới của Khu du lịch Tuần Châu cam kết sẽ đầu tư xây dựng cầu nhưng từ đó đến nay tình trạng vẫn nguyên vậy. Tình trạng không tuân thủ quy hoạch này cũng diễn ra tại nhiều điểm du lịch ven biển tại miền Trung. Trong quy hoạch ban đầu, chúng tôi luôn đề xuất xây dựng những con đường uốn lượn ven biển và để chỗ cho cộng đồng dân cư cùng tham gia khai thác. Tuy nhiên, vì lợi ích cục bộ, những bãi biển dài đẹp được chia cắt phân lô cho các chủ resort, khách sạn... xây bít đường xuống của ngư dân”.

 

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - tầm nhìn mới”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận xét: “Tôi rất hoan nghênh việc dừng các dự án lấn biển phá vỡ cảnh quan Hạ Long. Hạ Long là di sản thiên nhiên trải qua hàng nghìn năm mới có được nên không thể bê tông hóa như các danh lam thắng cảnh khác. Lãnh đạo Quảng Ninh đã rất mạnh dạn trong việc dừng các dự án ảnh hưởng đến cảnh quan Hạ Long, phá vỡ môi trường. Thay vào đó là kế hoạch phát triển bền vững hơn và quy hoạch mới nên nhìn Hạ Long từ phía biển vào để khai thác đúng giá trị của vịnh và phát triển thêm các sản phẩm du lịch như lên rừng, tham quan mỏ than”.

 

Bên cạnh đó, tác động hai chiều của du lịch rõ nét với cả môi trường và cộng đồng nếu không có kiểm soát. Tại các điểm du lịch phát triển tự phát, không theo quy hoạch thường sau một thời gian dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm do xả rác thiếu ý thức của du khách, kinh doanh tự do bát nháo, dịch vụ chặt chém, an ninh không tốt… Thực tế, các địa phương làm du lịch nhờ bản sắc văn hóa bản địa khi không được hưởng lợi từ du lịch thì chính địa phương lại bị thương mại hóa bởi du lịch. Điển hình rõ nhất là ở Sa Pa (Lào Cai) tình trạng bán hàng rong, đeo bám khách du lịch của người dân bản địa đã làm mất đi vẻ đẹp ngây thơ chất phác của họ.

 

Tìm hướng giải quyết

 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel khẳng định: “Hiện quy hoạch tài nguyên du lịch chưa thực hiện tốt, dẫn đến các công ty du lịch khai thác tối đa sản phẩm sẵn có khiến tài nguyên du lịch dễ bị xâm hại. Đó là chưa kể các địa phương phát triển sản phẩm na ná giống nhau, chưa tạo sự liên kết, gây lãng phí tài nguyên du lịch. Do đó phát triển du lịch bền vững trước tiên phải có quy hoạch hoàn chỉnh và gắn liền với bảo vệ môi trường và thu hút cộng đồng cùng tham gia làm du lịch. Thời gian vừa qua, tại nhiều điểm du lịch, nhiều người dân địa phương khi bị thu hồi đất để xây khu du lịch cảm thấy bị mất đất, bán hàng thì bị đuổi. Phát triển du lịch mà tách cộng đồng địa phương và trách nhiệm của người địa phương khiến dân địa phương cảm thấy không được lợi từ du lịch, dễ dẫn đến tình trạng xa lánh khách du lịch và nảy sinh các dịch vụ chặt chém.

 

 

 

Với những hành động thiết thực, hiện tại Hà Nội đã có CLB du lịch có trách nhiệm quy tụ các doanh nghiệp du lịch cùng chung trí hướng bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Hiện CLB đã tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như nhặt rác ở đảo Cô Tô, tour xe đạp nhặt rác tại các điểm di tích ở Đông Anh (Hà Nội), đào tạo và phát triển điểm du lịch cộng đồng tại bản Nà Bài (Chiềng Xa, Mộc Châu, Sơn La). Anh Nguyễn Sơn, chủ nhiệm CLB Du lịch có trách nhiệm tại Hà Nội: “Những hoạt động trên, mục đích lớn nhất là tuyên truyền để cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường. Trong quá trình phát triển du lịch, việc quy hoạch không bài bản đang tác động nhất định đến môi trường, xã hội với lợi ích kinh tế. Tại nhiều vùng Tây Bắc, có những điểm du lịch có thác nước đẹp, doanh nghiệp địa phương nếu cùng các đơn vị lữ hành bàn bạc có quy hoạch sẽ tạo sản phẩm bền vững như xây đường vòng quanh, chỗ để rác hợp lý. Tuy nhiên, do muốn thu lợi nhanh nên các cơ sở dịch vụ thường đáp ứng tối đa nhu cầu của khách, dẫn đến nhiều khi có tác động ngược với môi trường và cộng đồng như phản ứng thô lỗ, tìm mua sản phẩm văn hóa truyền thống, đốt lửa trại trong rừng… Do đó, phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường làm sao để người dân cùng được hưởng lợi trong quá trình phát triển du lịch. Doanh nghiệp lữ hành trong CLB tự xây dựng các điểm đến cộng đồng, hướng dẫn bà con khai thác các giá trị đặc sắc về văn hóa phục vụ khách, để bà con làm chủ sản phẩm của mình, tạo sản phẩm lưu niệm bán cho khách ưa chuộng như tại Ngọc Sơn (Ngổ Luông, Hòa Bình).

 

 

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ Phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) thừa nhận: “Phát triển du lịch bền vững gắn trách nhiệm của du lịch với cộng đồng, trong đó có các yêu cầu như các doanh nghiệp du lịch phải sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, không xả thải trực tiếp ra môi trường, sử dụng thực phẩm, hải sản do người dân sản xuất và cung cấp... Chỉ khi dự án đầu tư mang lại lợi ích cho người dân, người dân mới đầu tư ngược lại như tự nâng cấp trình độ, kiến thức để làm du lịch, sản xuất các sản phẩm du lịch phục vụ khách, kinh doanh dịch vụ lành mạnh, giá cả phù hợp…”.

 

 

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, việc tuân theo quy hoạch ngành du lịch tại địa phương giai đoạn 1995-2010 mang nhiều tính hình thức. Các địa phương khi đưa điểm du lịch nào vào khai thác thì nhăm nhăm thu lại ngay lợi nhuận theo kiểu ăn xổi, ít chú ý đến bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, được sự hỗ trợ của dự án EU, Tổng cục Du lịch đang triển khai dự án du lịch có trách nhiệm tại khu vực Tây Bắc, trong đó hỗ trợ địa phương lập quy hoạch để tránh trùng lặp sản phẩm, tư vấn hỗ trợ sản phẩm đầu ra phù hợp với nhu cầu thị trường khách để người dân có thu nhập ổn định từ du lịch… Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn 2030, ngành du lịch cũng định hướng chuyển du lịch từ phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng tới du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là các địa phương phải cùng vào cuộc bởi hơn ai hết họ là người thực hiện và kiểm soát quy hoạch du lịch tại địa phương.

 

Tiến sĩ Cẩm Thơ, Viện Nghiên cứu 

Phát triển du lịch:

 

Cần sự tham gia và gắn kết

 

Du lịch có trách nhiệm cần sự tham gia và gắn kết rõ ràng của các bên như cơ quan quản lý du lịch Trung ương và địa phương, chính quyền địa phương, các nhà cung cấp, điều hành du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển, cộng đồng và khách du lịch. Bên cạnh đó là các tổ chức quốc tế, phi chính phủ. Để đạt được nhận thức và hướng dẫn làm về du lịch có trách nhiệm, bước đầu cần ưu tiên thực hiện các mô hình du lịch có trách nhiệm ở loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, tiếp đó triển khai thí điểm phát triển du lịch tác các đô thị lớn theo hình thức khuyến khích và chế tài xử phạt. Bên cạnh đó cũng triển khai tại các doanh nghiệp khuyến khích áp dụng mô hình có trách nhiệm và hướng dẫn cộng đồng địa phương và khách du lịch.

 

Ông Ian Lyne, chuyên gia du lịch bền vững

dự án Châu Âu:

 

Tối đa hóa lợi ích tích cực của du lịch

 

Du lịch thường được xem như một nguồn lợi tạo nên thu nhập từ những thắng cảnh thiên nhiên sẵn có. Tuy nhiên, đây là ngành có tính cạnh tranh cao, đôi khi mang lại lợi nhuận thấp và có nguy cơ phá hủy hay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và các nguồn lực khác vốn được xem là chất xúc tác đầu tiên cho du lịch. Từ khi có chương trình phát triển bền vững, nhiều ý kiến tranh luận về mặt tích cực và tiêu cực của du lịch. Có người cho rằng đó là một động lực tốt, giúp nâng cao nhận thức về văn hóa và vì một thế giới chung; người khác lại cho rằng nó gây ra nhiều phí tổn hơn là lợi ích. Du lịch trách nhiệm ở đây được áp dụng trên các lĩnh vực của ngành bao gồm những nhà cung cấp dịch vụ (chủ khách sạn, điều hành tour) và người tiêu dùng (khách du lịch); thiết kế xây dựng, quản lý các điểm công cộng với trách nhiệm tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho người dân và du khách. Theo thuật ngữ kinh doanh, du lịch có trách nhiệm đảm bảo cung cấp một dịch vụ phù hợp với giá cả phải chăng. Theo thuật ngữ văn hóa xã hội, điều này cần tôn trọng phong tục, truyền thống địa phương, tôn trọng sư đa dạng của đồng bào dân tộc. Du lịch có trách nhiệm cố gắng tối đa hóa lợi ích tích cực của du lịch, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực. Điều này đôi khi khó đạt được khi quyền kiểm soát các nguồn lực nằm trong tay của một vài cá nhân hoặc khi các tổ chức không quan tâm đến quyền lợi cộng đồng.

 

Ông Trần Văn Long:

 

Dạy “làm du lịch xanh” từ nhà trường

 

Tổng Giám đốc công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt: Đơn vị luôn quan tâm tới du lịch có trách nhiệm, du lịch xanh bởi đây là xu thế tất yếu của du lịch bền vững. Để du lịch bền vững, theo tôi phải đưa và giảng dạy từ trong nhà trường để người làm du lịch và thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ môi trường. Năm nay, đơn vị sẽ triển khai sâu rộng hơn bằng cách yêu cầu HDV thường xuyên tuyên truyền với du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Tự mỗi du khách ý thức về để rác đúng nơi quy định cũng là việc góp phần giữ gìn và làm điểm du lịch được sạch hơn.

 

Xuân Cường - Hoàng Tuyết

baotintuc.vn

Nguồn: esrt.vn