Hai điểm du lịch sinh thái không thể bỏ qua khi đến Hải Dương

Cập nhật: 06/06/2013
Cách Hà Nội khoảng 70km – Hải Dương là tỉnh có tiềm năng du lịch dồi dào, một miền đất trù phú với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và tài sản vô giá là hàng trăm di tích lịch sử đã được công nhận và xếp hạng.

Khu Văn Miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền ở tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; hiện tại nằm cạnh đường quốc lộ số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Cách thành phố Hải Dương 15 km, Văn Miếu Mao Điền là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng. Trong hệ thống văn miếu của cả nước thì Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám với hơn 500 năm tồn tại và thờ hơn 600 vị tiến sĩ, văn miếu Mao Điền đã trở thành niềm tự hào về truyền thống hiếu học của xứ Đông.

Khu văn miếu cổ kính nằm cạnh đường Quốc lộ 5 hướng Hải Dương – Hà Nội, ngay từ xa đã thấy Tam quan đồ sộ của văn miếu Mao Điền nằm giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông,  thế nên bất cứ  du khách nào đi qua cũng muốn dừng chân ghé lại.

Từ giữa thế kỷ thứ XV, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, quan lại… nhà Lê đã cho xây dựng một loạt những trường quốc lập, trong đó có Văn Miếu Mao Điền – công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi.

Qua cổng Tam Quan đồ sộ, du khách dễ dàng nhìn thấy cây gạo cổ thụ 200 năm tuổi in bóng dưới hồ nước xanh mát tôn vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch cho văn miếu. Tương truyền, cây gạo cổ thụ này được trồng từ năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) là thời điểm tái thiết văn miếu trấn Hải Dương tại Mao Điền.

Phía trong hậu cung của văn miếu thờ chín bài vị. Chính giữa thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Lần lượt hai bên là bài vị của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, thầy giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Danh sĩ Phạm Sư Mạnh, Nhà toán học Vũ Hữu, Danh y Tuệ Tĩnh, nữ tiến sĩ đầu tiên Nguyễn Thị Duệ.

Hai di vật cổ nhất của văn miếu Mao Điền được đặt ở dãy nhà ngoài là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ công đồng và khánh đá từ thời Tây Sơn. Chiếc khánh đá có âm thanh trong trẻo thể hiện trình độ rất cao của người thợ chế tác đá Việt Nam đầu thế kỷ 19, với một bên tai đã vỡ.

Đến Văn Miếu Mao Điền, lòng người như thư thái và tự hào về một bề dày truyền thống hiếu học của người nước Nam. Hàng năm, từng đoàn sĩ tử tụ hội về đây lòng thành kính khâm phục, quyết tâm noi theo các bậc tiên hiền để trở thành những người con hữu dụng của quê hương, đất nước.

Đảo cò Chi Lăng Nam

Được phát hiện năm 1994, Đảo cò Chi Lăng Nam huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương là một điểm du lịch môi trường sinh thái hấp dẫn. Nằm giữa một vùng hồ bao la sóng nước, đảo Cò nổi lên như một viên ngọc mà thiên nhiên đã ban tặng cho Chi Lăng Nam. Với diện tích 2.382m2, từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại cò vạc khác nhau, cò vạc đến từ khắp nơi. Có chín loại cò khác nhau là cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương và ba loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Nê Pan, Philippines...

Đất lành chim đậu, người dân ở đây vẫn kể cho nhau và cho du khách nghe truyền thuyết về đảo cò và hồ An Dương. Chuyện rằng, vào thế kỷ XV, nơi đây còn là những đồng ruộng trũng mênh mông, nổi trên giữa cánh đồng trũng ấy là một gò cao, bên trên có dựng một ngôi đền. Bỗng một năm, một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Luộc, nước tràn vào ngập trắng cả một vùng.

Xung quanh gò đất nhô cao giữa cánh đồng trũng bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ. Qua một đêm, ngôi đền trên đỉnh gò cao đó bỗng dưng biến mất. Nước không bao giờ rút nữa tạo thành một hồ lớn, nơi trước kia là ngôi đền hình thành một đảo nhỏ.

Người dân trong vùng xem đây là vùng nước thiêng, không bao giờ tát cạn được, nên đã sống dạt ra phía ven ngoài của hồ. Theo thời gian, cò vạc bắt đầu đến trú ngụ ở đảo mỗi ngày một nhiều. Và đảo cò Chi Lăng Nam cũng bắt đầu được hình thành từ đó.

Theo kinh nghiệm của người dân địa phương thì mùa xuân là thời điểm cò về đông nhất có tới vài vạn con cò và hàng nghìn con vạc. Để quan sát cò tốt nhất thì nên chọn một chiếc thuyền cỡ nhỏ để không làm náo động không gian sống của cò. Thời điểm để xem được nhiều cò nhất là lúc hoàng hôn hay buổi sớm mai, đó là lúc “giao ca” thú vị giữa cò và vạc trong cuộc mưu sinh hàng ngày, là khi cò về sớm mà vạc chưa đi kiếm ăn thì đảo cò thật là huyên náo. Chúng tranh cướp nhau để giành chỗ đậu. Vạc yếu thế nên bị dồn xuống dưới, còn cò phủ trắng trên các tán cây. Hình như cây cối thưa dần trên đảo không còn đủ chỗ cho cả đàn cò khổng lồ bám nữa.

Sự đan xen hài hoà giữa cây cối, chim muông, hồ nước cùng khí hậu nhiệt đới trong lành thoáng đãng, cùng với nhiều cây cổ thụ và nhiều bia cổ, đền, chùa,miếu mạo trong vùng, đặc biệt với các nghề cổ truyền nhe nghề gột cá, nghề bánh tráng, bánh đa và nghề ươm trồng cây cảnh…tất cả những yếu tố đó đủ để Chi lăng Nam phát triển thành một vùng du lịch môi trường sinh thái hấp dẫn./.

Nguồn: thethaovietnam.vn