Xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Lý Sơn

Cập nhật: 19/06/2013
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cách đất liền khoảng 18 hải lý, diện tích tự nhiên khoảng 10km2 gồm 3 xã: An Hải, An Vĩnh (đảo lớn) và An Bình (đảo Bé). Các phát hiện khảo cổ học đã khẳng định cách đây 2.500 - 3.000 năm, đảo Lý Sơn đã có một bộ phận dân cư - chủ nhân của nền văn hoá Sa Huỳnh sinh sống và từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII đã có nhiều tộc họ từ đất liền ra đảo khẩn hoang, tạo dựng cơ sở sinh sống lâu dài đến ngày nay.

Nhân dân Lý Sơn có truyền thống yêu quê hương, đất nước, cần cù trong lao động, kiên cường trong bám biển, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt rất coi trọng việc xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa có từ hàng nghìn năm trên đất đảo này.

Do đặc thù là nơi hội tụ các nền văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Chămpa và văn hoá Việt, nền văn hoá Lý Sơn rất phong phú và đa dạng.

Hiện nay Lý Sơn có nhiều di sản văn hoá, nhiều tư liệu quý về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trên địa bàn huyện có 50 di tích, trong đó có 10 di tích đã được công nhận gồm 4 di tích cấp quốc gia, đó là thắng cảnh cùa Hang, Đình làng An Vĩnh, Đình làng An Hải, Âm linh tự và 6 di tích cấp tỉnh, gồm Dinh Tam Tòa, Đền thờ cá Ông Lân Chánh, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, đền thờ Thiên Y-A-Na, Lăng cá Ông Đông Hải, Mộ và đền thờ Võ Văn Khiết; 23 di tích tín ngưỡng và một số di tích khác. Nhiều loại văn hoá phi vật thể về tinh thần, sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền truyền thống, Hội dồi bòng... Do không bị tàn phá trong chiến tranh nên văn hoá do người Việt tạo lập tại Lý Sơn mang đậm dấu ấn cổ truyền và được nhân dân lưu giữ khá tốt. Đặc biệt cuối tháng 4/2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận là Di sản văn  hoá phi vật thể quốc gia, trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm không những của nhân dân trong tỉnh mà của nhân dân cả nước và nước ngoài.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hoá, ngay sau khi thành lập huyện (1993) đến nay, huyện uỷ Lý Sơn đã xác định công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tạo nhiều bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và thông tin huyện, các ngành liên quan khẩn trương tiến hành khảo sát các di sản văn hoá, xây dựng các phương án cụ thể, trước mắt và lâu dài để trùng tu, tôn tạo các di tích đã xuống cấp; tiến hành sưu tầm các nguồn tài liệu về các loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần, tín ngưỡng; khôi phục các loại hình văn hoá bị mai một...

Ông Nguyễn Tài Luân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Sơn cho biết: Đến nay trên địa bàn huyện có trên 85% di tích được trùng tu, tôn tạo khang trang, tôn nghiêm và lưu giữ được những giá trị về văn hóa, kiến trúc, điêu khắc cổ kính..., trong đó 90% nguồn lực được xã hội hóa bằng sự đóng góp của nhân dân. Các đình, đền, chùa, dinh miếu, nhà cổ... được trùng tu giữ được nguyên trạng. Các hình thức múa hát, sinh hoạt dân gian như hát bội, hội dồi bòng được phục dựng, tái hiện trong những năm gần đây. Việc sưu tầm ca dao, tục ngữ, văn thơ, đối liễn, hoành phi đã thu được nhiều kết quả. Nhiều di tích lịch sử văn hóa sau khi được trùng tu, tôn tạo đã được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương, góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh danh lam thắng cảnh và con người Lý Sơn.

Cùng với việc trùng tu, tôn tạo các di tích, đến nay đã có nhiều tộc họ trên huyện đảo đã xây dựng được quy ước về xây dựng tộc họ gắn với việc lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng ghi trong gia phả như việc Triều đình cử người trong tộc họ đi Hoàng Sa, Trường Sa. Tiêu biểu là tộc Họ Đặng đã lưu giữ Tờ Lệnh do vua Minh Mạng ban hành cách đây gần 180 năm cử các binh phu đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa đo đạc cắm mốc chủ quyền và thu lượm các sản vật. Ngày 9/4/2009, tộc Họ Đặng cũng đã bàn giao Tờ Lệnh này cho UBND tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Ngãi bàn giao cho Bộ Ngoại giao lưu giữ, góp phần làm cơ sở pháp lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo vệ các di sản văn hóa trên địa bàn.

*... Đến những giải pháp và kinh nghiệm

Trao đổi về những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII), ông Nguyễn Tài Luân, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Lý Sơn cho biết: Trong thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện tốt việc nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo, chú trọng việc hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ làm công tác văn hóa, du lịch và nhân dân về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó vận động nhân dân tham gia đóng góp tu sửa, tôn tạo các di tích cũng như việc bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử trên địa bàn; kết hợp tốt việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Chia sẻ về những kinh nghiệm đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại địa phương, ông Nguyễn Tài Luân cho rằng, trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, địa phương cần tuân thủ việc giữ gìn giá trị chân thực của di tích lịch sử văn hóa; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và nhân dân, gắn ý thức trách nhiệm, tình cảm của cộng đồng địa phương, thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về giá trị di sản cho người dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đặc biệt, trong quá trình trùng tu, tôn tạo các di tích cần tham khảo các ý kiến của những người có uy tín tại các tộc họ, những người lớn tuổi am hiểu về văn hóa địa phương, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa... Đối với các di tích văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, đóng góp công sức, trí tuệ của nhân dân, nếu thực hiện tốt những việc đó thì tin chắc rằng việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tại địa phương sẽ được thực hiện tốt hơn.

Nguồn: Tinmoitruong.vn/TTXVN