Cơ hội của du lịch văn hoá

Cập nhật: 10/07/2013
Du lịch văn hoá hay nói cách khác du lịch với các sản phẩm có hàm lượng văn hoá cao là hướng phát triển bền vững của “ngành công nghiệp không khói” này. Vì vậy mà cơ hội cho du lịch văn hoá của tỉnh đang rất rộng mở; nhưng làm sao hội tụ được các yếu tố “cần” và “đủ” để khai thác tốt cơ hội này đang là thách thức không nhỏ với Quảng Ninh...

Những điểm sáng

 

Bức tranh chung du lịch của Quảng Ninh hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều hơn những “điểm sáng” của du lịch văn hoá. Trong đó, sớm gây được tiếng vang tốt đầu tiên phải kể đến tour du lịch tại làng chài Vung Viêng của Vịnh Hạ Long. Tham gia tour du lịch này, du khách được trải nghiệm những nét văn hoá riêng của ngư dân sinh sống trên vịnh, như: Chèo thuyền nan tham quan làng chài, nghe hát đúm, câu cá, kéo lưới cùng ngư dân v.v.. Cũng là một thành viên sáng lập tour du lịch tại Vung Viêng, Công ty Du thuyền Đông Dương đã tiếp tục khảo sát và cho ra đời tour du lịch làng quê tại xã Yên Đức (Đông Triều). Tour du lịch làng quê Yên Đức khuôn ở phạm vi thôn Yên Khánh, nơi khung cảnh tự nhiên với núi non, làng mạc đẹp thơ mộng, thanh bình lại hội tụ cả các điểm di tích lịch sử của vùng quê anh hùng này. Đến đây, du khách được trải nghiệm không gian làng quê Việt vùng Bắc Bộ dân dã, êm đềm với các hoạt động sản xuất hàng ngày, đến gần hơn với cuộc sống người nông dân bản địa khi xem người dân múa rối nước, cùng bà con trồng rau, cấy lúa, xay thóc, giã gạo, úp cá, tôm v.v.. Tour đặc biệt rất thu hút khách Âu - Mỹ để tìm hiểu về những nét văn hoá khác biệt với dân tộc mình.

Mô hình nhà Việt trong tour du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều). Ảnh: Thanh Tùng

 

Qua tìm hiểu, được biết tới đây nhiều địa phương của TX Quảng Yên cũng sẽ trở thành điểm đến trong các tour du lịch làng Việt. Tuy nhiên, khác với Yên Đức thuần chất văn hoá nông nghiệp vùng canh tác lúa nước là chính thì cư dân nơi đây lại mang dấu ấn đặc trưng văn hoá vùng biển, với các nét văn hoá riêng về phong tục, tập quán, lối làm ăn, sinh sống, thờ tự... hứa hẹn sức hấp dẫn không nhỏ với du khách nước ngoài.

 

Tiềm năng văn hoá của các dân tộc trên địa bàn cũng bắt đầu được khai thác nhiều hơn phục vụ du lịch. Điển hình nhất là chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại Công viên Hoàng Gia và Cung Văn hoá Lao động Việt - Nhật. Bắt đầu triển khai từ cuối năm 2012, các chương trình khá hấp dẫn du khách nước ngoài, trung bình thu hút 150 đến 200 khách/suất diễn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc khai thác các giá trị văn hoá truyền thống của hơn 20 dân tộc ở Quảng Ninh để tạo thêm sản phẩm nghệ thuật cho du lịch. Ngoài ra, cũng phải kể đến những di tích lớn, đã và đang trở thành điểm đến của du lịch văn hoá tâm linh, thu hút chủ yếu khách nội địa như: Yên Tử (Uông Bí), Bạch Đằng (Quảng Yên), khu di tích nhà Trần ở Đông Triều, đền Cửa Ông (Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (Vân Đồn) v.v..

 

Điều kiện “cần” và “đủ”

 

Nói về điều kiện “cần” cho du lịch văn hoá ở Quảng Ninh, người ta sẽ nghĩ ngay đến tiềm năng giàu có của một “Việt Nam thu nhỏ” với hơn 600 di tích các loại, lại có 22 dân tộc cùng sinh sống với những nét văn hoá đặc trưng riêng, độc đáo. Trong đó, có nhiều di tích lớn như Yên Tử, Bạch Đằng, Thương cảng Vân Đồn hay hệ thống đền miếu, chùa chiền và lăng mộ của nhà Trần tại Đông Triều, rồi mái đình Trà Cổ - “cột mốc văn hoá Việt” vùng biên giới... Di sản văn hoá phi vật thể cũng rất phong phú với hàng trăm lễ hội khác nhau diễn ra vào cả 4 mùa trong năm; các bản làng của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu... cũng có nhiều nét hấp dẫn với những di sản độc đáo như nghi lễ Then cổ, lễ cấp sắc, lễ Đại Phan...

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch tại
Cung Văn hoá Lao động Việt - Nhật. Ảnh: Thu Hương

 

Tuy vậy, nhìn ngược lại sẽ thấy rằng, tiềm năng du lịch văn hoá của Quảng Ninh cũng còn thiếu những điều kiện “đủ”. “Khách nội địa khá ưa chuộng khi về Yên Tử, nhất là vào mùa hội xuân nhưng với khách nước ngoài thì đây lại chưa phải điểm “hot” vì vào đây, du khách sẽ mất gần một ngày. Đó là quãng thời gian khá lớn trong cả tour du lịch tới Việt Nam (ước tính cỡ 6 ngày), mà họ còn phải nối tour tới Hạ Long - điểm đến không thể thiếu khi tới Quảng Ninh. Ấy là chưa tính đến sự khác biệt về văn hoá, du khách nước ngoài có thể không “tín” khi về Yên Tử hành hương như với người Việt...” - một cán bộ ngành Du lịch của tỉnh phân tích. Rõ ràng, từ ví dụ về Yên Tử cho thấy, nhiều điểm du lịch tâm linh của tỉnh sẽ hấp dẫn lượng khách nhằm vào thị trường nội địa là chủ yếu. Để vừa khai thác yếu tố tâm linh, đan xen yếu tố cảnh quan ở các điểm di tích phục vụ du lịch, nhất là mở rộng thị trường khách nước ngoài cần có cái nhìn đúng mức và hướng khai thác hợp lý hơn.

 

 Bên cạnh đó, việc giữ gìn các giá trị văn hoá gốc cũng là điều quan trọng. Ở Quảng Ninh, sự pha trộn, lai tạp giữa văn hoá gốc và văn hoá hiện đại trong nhiều dân tộc đã xuất hiện, là cái khó để khai thác cho du lịch. Hay như các lễ hội tuy nhiều nhưng chủ yếu diễn ra vào mùa xuân, tổ chức trong một hai ngày, rất khó để kết nối tour... Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Du thuyền Đông Dương trong một cuộc toạ đàm về xây dựng và phát triển văn hoá truyền thống từng nhấn mạnh: “Cần có sự chung tay tham gia của cả người dân chứ riêng doanh nghiệp thì không kham hết...”. Sự chung tay ấy, thiết nghĩ vừa là tự mình giữ gìn bản sắc dân tộc, không để bị mai một, bị pha tạp mà còn là nhận thức đúng về phát triển du lịch bền vững, không mang tâm lý “ăn xổi” vốn khá phổ biến hiện nay.

 

 Thực tế, các điểm du lịch văn hoá kể trên đều là ý tưởng sáng tạo rồi mày mò tự làm của các doanh nghiệp là chính, vai trò của nhà nước còn mờ nhạt. Một số điểm du lịch văn hoá tiềm năng trên địa bàn hiện nay vẫn khó khăn về hạ tầng giao thông, mà như bản văn hoá Dao Thanh Y ở Bằng Cả (Hoành Bồ), phường Phong Cốc (Quảng Yên), xã Đoàn Kết (Vân Đồn)... là ví dụ. Hiện nay, Quảng Ninh đang xây dựng 4 trung tâm du lịch lớn gắn với thế mạnh của từng vùng. Đó là Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên là trung tâm du lịch văn hoá tâm linh; Hạ Long là trung tâm du lịch cảnh quan; Vân Đồn - Cô Tô là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và Móng Cái là trung tâm du lịch thương mại biên giới. Hy vọng rằng, từ các tâm điểm này, du lịch văn hoá các vùng miền cũng sẽ có thêm cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn, tạo thành những “vệ tinh” mạnh, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Nguồn: baoquangninh.com.vn