Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành tại TP.HCM: Dành 2 ngày/tuần để kiểm tra

Cập nhật: 16/07/2013
Trước tình trạng các đơn vị hoạt động lữ hành “chui” có xu hướng nở rộ, ngành du lịch TP.HCM đã và sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh quyết liệt hoạt động kinh doanh lữ hành.

Theo số liệu thống kê từ Sở VHTTDL, trên địa bàn TP hiện có 809 công ty du lịch có đăng ký hoạt động với Sở. Trong đó có 351 đơn vị có giấy phép lữ hành nội địa và 458 đơn vị có giấy phép lữ hành quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Chí - Phó phòng lữ hành Sở VHTTDL cho biết, mỗi tuần phòng Lữ hành phối hợp cùng Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản và xử phạt hàng chục đơn vị sai phạm với nhiều lỗi thường thấy như: Có giấy chứng nhận kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp là tổ chức tour mà không đăng ký hoạt động lữ hành với Sở VHTTDL, phớt lờ quy định phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc nội địa và nộp tiền ký quỹ... nhưng vẫn không thể dẹp hết công ty du lịch sai phạm.

Theo đó, cái khó mà cơ quan chức năng gặp phải là thiếu nhân lực. Hiện nay, Sở dành 2 ngày trong 1 tuần để làm công tác kiểm tra xử phạt các đơn vị lữ hành “chui” nhưng vẫn không thể nào xuể vì địa bàn TP quá rộng. Sự phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với ngành du lịch và địa phương để phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trái phép còn thiếu chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao…

Trước tình trạng các đơn vị hoạt động lữ hành “chui” có xu hướng nở rộ, ngành du lịch TP.HCM đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh quyết liệt hoạt động kinh doanh lữ hành. Đại diện Sở VHTTDL TP.HCM cho biết đã có văn bản về việc hợp tác với một số cơ quan liên quan để kiểm tra hoạt động lữ hành từ nay cho đến hết năm 2013. Đặc biệt là rà soát liên tục các “điểm nóng” như cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất, tất cả các xe vận chuyển, các điểm tham quan, những quận, huyện có nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành…

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành trong quá trình hoạt động kinh doanh cần lưu ý và thực hiện nghiêm túc những nội dung như: Tất cả doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, đại lý du lịch sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư phải đảm bảo đầy đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, đại lý du lịch theo Luật Du lịch, và thông báo cho Sở trong vòng 15 ngày trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh du lịch.

Trong quá trình hoạt động, phải chấp hành nghiêm chỉnh, đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật; không hoạt động kinh doanh khi chưa có đủ giấy phép, điều kiện theo luật định và chưa được cơ quan quản lý chấp thuận; chọn đối tác có thương hiệu, uy tín để hợp tác kinh doanh, tổ chức chương trình du lịch cho khách; đảm bảo có các phương án dự phòng nhằm triển khai trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ cho các đoàn khách mình phục vụ; phải nhanh chóng báo cáo Sở và các cơ quan chức năng có liên quan để được hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện chương trình du lịch cho khách… Các trường hợp vi phạm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện kinh doanh lữ hành nhưng hoạt động trái phép sẽ bị xử lý nghiêm.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Việt Anh - Trưởng phòng lữ hành Sở VHTTDL cho biết thêm, vừa qua Sở đã kiến nghị với Tổng cục Du lịch và Bộ VHTTDL xem xét việc bắt buộc treo giấy xác nhận có chức năng kinh doanh lữ hành nội địa hoặc giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế (nếu có) lên bảng hiệu của đơn vị lữ hành.

Theo ông Anh, nếu kiến nghị trên được thông qua sẽ giúp ích rất nhiều cho du khách trong việc phân biệt các đơn vị lữ hành làm ăn chân chính và những công ty du lịch “chui” (vì chỉ những đơn vị đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới được cơ quan chức năng cấp những giấy tờ này). Bên cạnh việc du khách an tâm để mua tour của những công ty đã được thẩm định, kiểm chứng, người dân trên địa bàn còn có thể căn cứ vào đây mà nhận diện các công ty du lịch “chui” để tố giác cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Khải Hoàn

 

Nguồn: Báo Văn hóa