Đà Lạt: Môi trường du lịch ''ô nhiễm''

Cập nhật: 30/07/2013
Là một thương hiệu du lịch lớn, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, nhưng gần đây, Đà Lạt bị nhiều tai tiếng vì cách làm ăn xô bồ, chụp giật.

So với các trung tâm du lịch lớn trong nước, Đà Lạt có nhiều lợi thế về tự nhiên và đây cũng là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia. Những lợi thế đó đã làm nên tên tuổi của Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng. Tuy nhiên, một thực trạng của du lịch Đà Lạt dù đã được nhìn nhận ra nhưng chưa khắc phục đó là khai thác nhiều, đầu tư ít. Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, thẳng thắn nhận định, nhiều người làm du lịch ở Đà Lạt quá dễ dãi, chỉ dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên để khai thác.

 

Cách khai thác tận thu này dẫn đến hệ lụy là danh lam thắng cảnh xuống cấp, ô nhiễm nhưng ít được tôn tạo và tình trạng trùng lắp, đơn điệu về sản phẩm. Nhưng không chỉ môi trường tự nhiên bị ô nhiễm mà nghiêm trọng hơn là môi trường xã hội cũng đang bị “ô nhiễm”. Đó là tình trạng “chặt chém”, tăng giá phòng khách sạn và dịch vụ ăn uống vô tội vạ trong các dịp cao điểm. Theo khảo sát thực tế, các dịp lễ tết, hầu hết khách sạn tại Đà Lạt (trừ những khách sạn cao cấp) đều tăng giá 50% - 100%, thậm chí có thời điểm tăng đến 300%.

 

Một thực trạng nhức nhối khác đã tồn tại nhiều năm qua nhưng Đà Lạt chưa dẹp được, đó là “cò” du lịch, “cò” đặc sản. Do đặc trưng khai thác du lịch theo mùa, lúc cao điểm thì quá tải, lúc thấp điểm thì ế ẩm nên các chủ khách sạn phải sử dụng đội ngũ “cò” để chèo kéo khách đến ở. Cùng với đó, các cơ sở bán hàng đặc sản mọc lên như nấm, nên hầu như cơ sở nào cũng phải sử dụng “cò”. Do phải chi phần trăm cao cho “cò” (khoảng 30%) nên giá đặc sản bị đội lên chót vót.

 

Ông Nguyễn Văn Hương nhìn nhận: Vẫn biết rằng đánh mất thắng cảnh là đánh mất Đà Lạt, nhưng chỉ riêng ngành du lịch thì không thể làm nổi mà cần tăng cường vai trò trách nhiệm của các ngành, địa phương liên quan. Chẳng hạn, vấn đề ô nhiễm, vấn đề “chặt chém” khách, bán hàng đặc sản giả hoặc an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phong cách người Đà Lạt hiền hòa, mến khách đang bị nhạt phai, nhiều người làm ăn chụp giật.

 

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Văn Hương, tại một hội nghị du lịch mới đây, ông Nguyễn Thanh Thủy (Công ty Du lịch Văn Hóa Việt) cho rằng, Đà Lạt đang mất đi nhiều thứ rất đáng tiếc như những đồi thông thơ mộng, nhiều dòng thác đẹp bị ô nhiễm; biệt thự cổ đang mai một… Theo ông Thủy, để du lịch Đà Lạt phát triển thì yếu tố “con người Đà Lạt” cần được phát huy, nên mời những người sống lâu năm ở Đà Lạt nói chuyện về du lịch.

 

Về phía địa phương, ông Tôn Thiện San, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết TP sẽ họp các chủ lò mứt, chủ khách sạn để thống nhất việc không sử dụng “cò”, không tăng giá trong các dịp lễ tết và bán hàng đặc sản có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, cũng theo ông San, việc xử lý “cò” cũng gặp khó vì hiện chưa có quy định nào về vấn đề này.

NAM VIÊN

Nguồn: sggp.org.vn