Khởi động chiến dịch giảm cầu sừng tê giác tại Việt Nam

Cập nhật: 28/08/2013
Trước tình hình nạn buôn bán sừng tê giác tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, sáng nay (27/8), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Cơ quan Quản lý CITES, Đại sứ quán Nam Phi đã tổ chức hội thảo "Chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức giảm cầu sử dụng sừng tê giác."

Chiến dịch giảm cầu sừng tê giác. (Ảnh: TTXVN)

 

Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Hải quan  thừa nhận tình trạng buôn bán, vận chuyển sừng tê giác từ các nước vào Việt Nam đã diễn ra nhiều năm nay. Cụ thể, từ đầu năm 2008 đến giữa tháng 8/2013, toàn ngành đã bắt giữ được 13 vụ vận chuyển sừng tế giác trái phép, với số lượng xấp xỉ 121,5kg qua đường hàng không.

 

Cùng với con số trên, đại diện Tổng cục Hải quan cũng tiết lộ rằng số vụ vi phạm liên quan đến sừng tê giác có thể còn lớn hơn, do việc xác minh các doanh nghiệp trong nước đứng tên các lô hàng vi phạm rất khó thực hiện vì thiếu căn cứ xác định có sự thông đồng với người gửi hàng. Trong khi đó, việc xác minh các đối tượng nước ngoài gửi hàng hóa vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về hệ thống pháp luật.

 

Ở góc độ khác, ông Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng đinh, buôn bán động vật hoang dã, trong đó có sừng tê giác đã trở thành vấn nạn, khiến nhiều loài quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

 

“Chính những lời thêu dệt về công dụng của sừng tê giác như  giảm sốt, giải rượu, hay nhiều người còn đem sừng tê giác làm quà để thử hiện sự đẳng cấp  hay có tin đồn sừng tê giác chữa được bách bệnh khiến cho giá sừng tê giác tăng cao. Và, nhiều người đang tin nhầm vào một thứ sản phẩm không có lợi cho sức khỏe,” ông Hải nhận định.

 

Trước thực tế này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, để giảm cầu đối với sừng tế giác, chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế, để giải quyết những vấn đề có giá trị quốc tế khu vực; trong đó có vấn đề quản lý các hoạt động chung để bảo tồn các loài hoang dã, nhất là đối với những loài có nguy cấp cao như tê giác, voi, gấu, hổ….

 

 “Theo đó, Việt Nam sẽ cam kết thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế và bảo tồn. Tôi cũng mong các tổ chức quốc tế phối hợp, hỗ trợ Việt Nam và Nam Phi thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ song phương, trong đó có kế hoạch hành động chung về bảo tồn quần thể tê giác ở Nam Phi”, ông Hải kiến nghị.

 

Về phía Nam Phi, bà Kgomotso Ruth Nagau, Đại sứ quán nước cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam khẳng định: “Giảm cầu đối với sừng tê giác ở Việt Nam là hành động rất thiết thực, góp phần chấm dứt thị trường cho các mạng lưới tội phạm buôn bán trái phép và đây là một trong những giải pháp quan trọng để cứu mạng sống của loài tê giác tại Nam Phi.”

Theo đó, chiến dịch này sẽ được triển khai tới các bên liên quan chính như phụ nữ, doanh nhân, sinh viên, các đối tượng hành nghề Tây y và Đông y để xây dựng và thực hiện các chiến lược giảm cầu trong cộng đồng./.

Nguồn: TTXVN