Huy động 208 tỉ đồng đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học cho Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới

Cập nhật: 03/09/2013
Sau 28 năm - kể từ khi UBND tỉnh Đồng Tháp thành lập Lâm Ngư trường Tràm Chim nhằm giữ lại một phần hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa, giá trị đa dạng sinh học tại vùng đất ngập nước trên 7.313ha nằm trong vùng Đồng Tháp Mười đã được khẳng định đối với môi trường sinh thái, với đời sống con người, trở thành Vườn Quốc gia và Ban Thư ký công ước Ramsar đã chính thức công nhận là Khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chính thức ban hành Quyết định số 481/QĐ-UBND-HC (ngày 17/5/2013) về việc phê duyêt quy hoạch bảo tồn phát triển bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim (giai đoạn 2013-2020).

Theo đó, Đồng Tháp phân kỳ huy động gần 208 tỉ đồng từ ngân sách và hợp tác quốc tế đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ và bảo tồn khu rừng đặc dụng với các cảnh quan tiêu biểu, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, các loài động, thực vật quý, hiếm của vùng Đồng Tháp Mười, như một mẫu chuẩn quốc gia về một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế của một khu Ramsar.

 

Nội dung quy hoạch tập trung việc xây dựng hệ thống vận hành và cơ chế quản lý chế độ ngập nước trong mùa khô; bảo tồn và phát triển bền vững các sinh cảnh rừng tràm, đồng cỏ ngập nước theo mùa và các sinh cảnh đất ngập nước khác; bảo tồn các loài chim nước quý, hiếm, đặc biệt là loài chim sếu đầu đỏ; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu; bảo tồn các giá trị của khu Ramsar đã được công nhận; quy hoạch các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và đồng cỏ trong mùa khô; các hạng mục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; định hướng phát triển du lịch sinh thái; đào tạo phát triển nguồn nhân lực và định hướng đầu tư phát triển vùng đệm. Bên cạnh đó, nội dung được chý ý đặc biệt là quy hoạch vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim nhằm góp phần thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư sống giáp ranh vào việc bảo vệ Vườn quốc gia.

Một góc Vườn Quốc gia Tràm Chim – Ảnh: H.Long

 

Việc quy hoạch bảo tồn phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim là bước đi cụ thể cho tiến trình xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn tính toàn vẹn của các hệ sinh thái một vùng đất ngập nước trong khu vực sông Mekong, sử dụng khôn khéo và có hiệu quả vùng đất ngập nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh Vườn quốc gia Tràm Chim trên bình diện quốc gia và quốc tế; thúc đẩy phát triển ngành du lịch trên cơ sở khai thác bền vững tiềm năng du lịch sinh thái,… mà lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã và đang nỗ lực kêu gọi thực hiện.

 

Đây chính là giải pháp đồng bộ thể hiện nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ giá trị đa dạng sinh học cho khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới trước nguy cơ ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu, áp lực dân số di cư và từ các đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông.

 Hùng Phương

Nguồn: Monre