Chợ phiên Hoàng Su Phì

Cập nhật: 25/09/2013
Chợ Hoàng Su Phì chỉ họp một phiên vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Chợ họp dọc theo dãy phố chính kéo dài chừng vài ba cây số của thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Chợ có từ bao giờ đến nay không ai còn nhớ nhưng đối với đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí… sinh sống trên dãy núi Tây Côn Lĩnh thì chợ phiên quan trọng lắm. Đồng bào đến chợ không chỉ để buôn bán, trao đổi sản vật mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu. Vì vậy, chợ phiên Hoàng Su Phì còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của một phiên chợ vùng cao.

 

 

Chợ họp từ tờ mờ sáng và bắt đầu đông người khi mặt trời ló rạng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Bà con ở xa như Bản Luốc, Sán Xả Hồ, Nậm Ty đi chợ từ khi gà chưa gáy. Có người đeo gùi vượt hàng chục cây số đường núi để mang đến chợ bán những thứ sản vật mà gia đình trồng được hoặc kiếm được ở trong rừng.

 

Chợ phiên Hoàng Su Phì họp vào Chủ nhật hàng tuần dọc theo con phố chính của thị trấn Vinh Quang.

 

Bé theo mẹ xuống chợ.

 


Dân bản đem dê xuống chợ bán.
 

 


 

Những bó hành củ cũng theo chân phụ nữ Mông xuống chợ.

 

Người dân đi chợ để mua một số vật dụng cần thiết cho gia đình như dao, rựa, liềm...

 

Dãy hàng dưa chuột của những cô gái Mông.

 

Một gian hàng bán các loại gia vị tự nhiên từ núi rừng của người vùng cao.

 

Ớt là một loại gia vị không thể thiếu ở mỗi phiên chợ vùng cao.

 

 

Hàng bán chỉ thêu của phụ nữ người Mông.
 

 

Người đàn ông dân tộc Nùng ngồi bán thuốc nhuộm vải ở chợ.

 

Một đôi bàn tay ám đen thuốc nhuộm vải.
 

 

Cũng như chợ phiên ở dưới xuôi, chợ phiên Hoàng Su Phì cũng
có những gánh hàng hương thơm để phục vụ cho việc tín ngưỡng của đồng bào vùng cao

 

 

Vì thế, đến chợ Hoàng Su Phì bạn có thể gặp không ít các bà, các chị người Mông, Dao… đi hàng chụс cây số xuống chợ chỉ để bán dăm mớ rau, vài con gà… Tan chợ, nếu có ế hàng thì khi về vẫn cười tủm tỉm như tìm được ở nơi này thứ gì quý giá lắm.

 

 

Đặc biệt, chợ không ồn ào. Người bán kẻ mua rất nhẹ nhàng, cứ như thể họ đến chợ chỉ để nhìn, ngắm để rồi lại trở về với bản làng heo hút nơi lưng chừng núi.

 

 

Chợ phiên Hoàng Su Phì có hương vị rất riêng, một hương vị đặc trưng của núi rừng. Đó là mùi mắc khén (loại gia vị chỉ có ở vùng này, được dùng như hạt tiêu) thoang thoảng trong gió khi theo chân những thiếu nữ Dao từ Bản Luốc mang xuống chợ. Đâu đó lại thấy mùi thảo quả thơm cay do các cô gái Mông ở xã Sán Xả Hồ đem xuống chợ bán.

 

 

Góc bán rượu ở phiên chợ Hoàng Su Phì lạ hơn so với các chợ phiên vùng cao khác vì người bán và người mua ở đây đa số đều là phụ nữ. Một góc chợ khác là nơi bán dê núi của những chàng trai đến từ xã Hồ Thầu. Giữa chợ rực rỡ sắc màu thổ cẩm và các nguyên liệu dùng để nhuộm vải…

 

 

Đi chợ phiên Hoàng Su Phì không chỉ để ngắm nhìn, mua bán, thưởng thức hương vị kỳ lạ của núi rừng mà còn để khám phá về một nét văn hóa nguyên sơ lạ kỳ của một phiên chợ vùng cao, đó là chuyện đồng bào các dân tộc đến chợ chỉ để gặp nhau… nói vài ba câu chuyện… rồi về./.

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam