Du lịch xem chim

Cập nhật: 04/10/2013
Công cụ bắt buộc là ống nhòm. Hình thái du lịch này có một sức hút rất lớn khiến nhiều người trên thế giới không quản ngại vác balo vượt hàng nghìn km tìm đến.

 

Xem chim - Bird watching là một sở thích ra đời từ đầu thế kỷ 20 ở Anh, sau đó tràn qua các nước khác ở châu Âu, châu Mỹ và Australia. Loại hình này có 2 cấp độ chính: chỉ đi để xem chim và vừa xem chim vừa có những giải trí khác.

 

Tại Nhật Bản và Thái Lan, trào lưu bird watching phát triển theo hướng xem chim và chụp ảnh động vật hoang dã. Từ một công việc mang tính nghiên cứu khoa học, hoạt động này dần được quần chúng hóa sang các nhóm yêu thiên nhiên, ham mê khám phá và có ý thức bảo vệ môi trường.

 

Từ những năm 1990, tại các khu rừng nhiệt đới Việt Nam đã rải rác xuất hiện những nhóm du khách quốc tế đến xem chim. Giai đoạn này, rừng rậm rạp và đa dạng sinh vật, tuy nhiên việc xem chim lại gặp nhiều khó khăn do không có hướng dẫn viên, dịch vụ lưu trú nghèo nàn và khan hiếm tài liệu về các loài chim cư trú tại Việt Nam.

 

Sau năm 2001, nhiều công ty lữ hành mở thêm tour bird watching. Xuất hiện một số công ty chuyên chỉ tổ chức loại tour này, trong số đó có công ty du lịch Vietnambirding của Richard Craik – người Mỹ, công ty du lịch Hoang Dã (Vietnam Wild Tour) thành lập năm 2005 đã thu hút được rất đông du khách và quảng bá được những nét nổi bật của khu hệ chim Việt Nam.

 

Tổ chức Bird Life Quốc Tế đã xếp Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về mức độ đa dạng sinh học và số lượng các loài chim bị đe dọa. Theo số liệu thống kê, hệ chim của Việt Nam gồm hơn 870 loài.

 

Trong đó có 12 loài đặc hữu (đứng đầu Đông Nam Á về số lượng loài chim đặc hữu), 3 loài do con người du nhập, 9 loài hiếm gặp và 43 loài bị đe dọa trên toàn cầu.

 

Việt Nam hiện có 15 điểm xem chim trời với sự góp mặt của hơn 70 loài chim là: Sa Pa và Vườn Quốc Gia (VQG) Hoàng Liên (Lào Cai), VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc), VQG Cát Bà (Hải Phòng), VQG Xuân Thủy (Nam Định), VQG Cúc Phương (Ninh Bình), VQG Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), VQG Bạch Mã (Huế), VQG Yok Đôn (Đắc Lắc), TP Đà Lạt và vùng phụ cận, VQG Cát Tiên (Lâm Đồng), rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM), VQG Tràm Chim (Đồng Tháp), VQG U Minh Thượng, khu bảo tồn sinh thái Cà Mau và Bạc Liêu, VQG Mũi Cà Mau (Cà Mau).

 

Những công trình nghiên cứu đầu tiên do tiến sĩ người Pháp Gilbert Tirant đã thống kê hơn một nghìn loài chim được tìm thấy ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1875 - 1877. Cuốn sách bằng tiếng Việt đầu tiên có tên “Chim Việt Nam” do giáo sư Võ Quý biên soạn được xuất bản sau năm 1970.

 

Để có thể thống kê được số lượng chim, hàng năm các nhà khoa học phải làm công tác xem và đếm qua những chiếc ống nhòm và máy ảnh chuyên dụng. Điều này không hề dễ dàng, nhất là với những loài chim hiếm luôn thoát ẩn thoát hiện giấu mình sau những lùm cây rậm rạp, có khi nằm rừng cả tháng trời mới gặp.

Nguồn: vnexpress