Bà Rịa - Vũng Tàu: Không chấp hành qui định xếp hạng cơ sở lưu trú phạt từ 10-15 triệu đồng

Cập nhật: 23/10/2013
Sở VHTTDL Bà Rịa - Vũng Tàu đã liệt kê danh sách các cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) không chấp hành quy định về xếp hạng cơ sở lưu trú và gửi thông báo nhắc nhở thực hiện. Tiếp đó, Thanh tra Sở sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt theo quy định tại Nghị định số 16/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Mức phạt đối với hành vi trên sẽ từ 10 đến 15 triệu đồng.

Khách sạn Bình Phương (số 274 Phan Chu Trinh, TP. Vũng Tàu) có 54 phòng nhưng không đăng ký xếp hạng.

Theo quy định của Luật Du lịch năm 2005, CSLTDL sau khi đi vào hoạt động được 3 tháng phải làm hồ sơ đăng ký để được cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch thẩm định xếp hạng và sau 3 năm phải được xếp hạng lại. Luật Du lịch cũng xác định rõ đối tượng được gọi là CSLTDL bao gồm khách sạn, làng du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê… Tại Thông tư số 88/2008 của Bộ VHTTDL hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch nêu rõ các tiêu chí phân loại CSLTDL và hướng dẫn đầy đủ quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký xếp hạng và đăng ký lại hạng CSLTDL. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đã phớt lờ quy định này, đi vào hoạt động đã lâu hoặc quá hạn nhưng không làm thủ tục xếp hạng hoặc tái thẩm định để được xếp hạng lại.

Theo thống kê của Sở VHTTDL, toàn tỉnh có 54 CSLTDL không thực hiện thủ tục đăng ký xếp hạng. Trong đó, TP. Vũng Tàu chiếm số lượng vi phạm nhiều nhất: 43 cơ sở. Đáng chú ý, có những CSLTDL hoạt động lâu năm, lượng phòng nhiều và đã từng bị nhắc nhở hoặc xử phạt nhưng vẫn cố tình không thực hiện. Điển hình như: khách sạn Hồng Ngọc, 160 phòng (số 145 Phan Chu Trinh, TP. Vũng Tàu); Seaside resort, 80 phòng (số 28 Trần Phú, TP. Vũng Tàu); resort Sao Mai, 99 phòng (ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước, Tân Thành)…    

Có nhiều nguyên nhân khiến các CSLTDL không chấp hành quy định xếp hạng: Những cơ sở mới hoạt động sợ khi được công bố hạng sao sẽ khiến cho khách ngại giá phòng đắt, không hỏi thuê. Một số cơ sở đã được xếp hạng không muốn tái thẩm định để xếp hạng lại vì cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ xuống cấp, sẽ bị tụt hạng. Ngoài ra, còn có tình trạng CSLTDL đủ điều kiện để kinh doanh khách sạn và đủ điều kiện để được thẩm định xếp hạng nhưng chủ cơ sở chỉ đăng ký hoạt động dưới hình thức nhà trọ để đỡ phải chịu những điều kiện ràng buộc như: chính sách thuế chặt chẽ, cơ sở vật chất và tay nghề của người lao động phải được nâng cấp thường xuyên; bảo đảm chính sách nhất quán về giá cả, không được bán cao hơn hoặc thấp hơn mức giá đã đăng ký với cơ quan chức năng…

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, công tác thẩm định xếp hạng CSLTDL nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong việc đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất và tinh thần phục vụ du khách; kịp thời chấn chỉnh, bổ sung những thiếu sót để phục vụ du khách ngày một tốt hơn, tạo uy tín cho ngành du lịch nói chung và từng cơ sở nói riêng. Ngược lại, giá bán dịch vụ cũng tương ứng với loại hạng sao. Do vậy, khi được công nhận một loại hạng sao nhất định chính là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng giá bán tương xứng với chất lượng đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng và nâng mặt bằng chung cho du lịch địa phương theo hướng ngày càng tốt hơn. “Những cơ sở trốn tránh đăng ký xếp hạng là thiếu ý thức trong việc góp phần xây dựng ngành du lịch địa phương thêm chuyên nghiệp và vi phạm pháp luật. Theo Nghị định số 16, hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Sau khi gửi công văn nhắc nhở, Thanh tra Sở VHTTDL sẽ kiểm tra và xử phạt theo quy định”, ông Sơn cho biết.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Nguồn: Báo Bà Rịa Vũng Tàu