Bảo vệ di sản trước biến đổi khí hậu: Học nghệ thuật ứng xử với thiên nhiên

Cập nhật: 18/11/2013
"Di sản xanh, nơi gặp gỡ của con người và thiên nhiên” là chủ đề mà Bộ VHTT&DL đã chọn trong Tuần văn hóa, du lịch sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam từ ngày 19- 23-11-2013 tại Hà Nội. Đây là chủ đề thiết thực, khi di sản văn hóa đang chịu nhiều tác tác động của môi trường, trong đó di sản miền Trung là một minh chứng điển hình.


Di sản Hội An đã sống chung với bão lũ từ lâu nay

 

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến di sản

 

Với 12 di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO vinh danh, hơn 4 vạn di tích phân bố ở khắp mọi miền đất nước, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước tác động biến đổi khí hậu (BĐKH).

 

Do điều kiện địa hình, các cơn bão, lũ luôn đổ xuống dải đất miền Trung. Chính vì thế mà cả con người và di sản giàu có ở vùng đất này (4 Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 3 Di sản văn hóa vật thể) bao lâu nay vẫn phải oằn mình đương đầu với bão lũ và tác động của BĐKH. Năm nào cũng thế, từ tháng 9, tháng 10 ÂL hàng năm, cư dân phố cổ Hội An cùng quần thể kiến trúc nhà cổ đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới lại vật lộn với lũ lụt. Sau mỗi trận lũ, di sản Hội An phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Từng có ý kiến bảo vệ đô thị cổ khỏi nước lũ với giải pháp đắp một con đê thấp bao quanh đô thị cổ Hội An. Tuy nhiên giải pháp này có những cản trở không chỉ riêng về vấn đề kinh phí xây dựng mà còn ảnh hưởng đến vẻ đẹp thơ mộng, quyến rũ của thành phố di sản. Bởi vậy cơ quan chức năng của thành phố và chủ nhân của những di tích đã giải quyết vấn đề theo tính logic, đó là gắn bó giữa con người và thiên nhiên, thuận theo tự nhiên và chấp nhận chung sống với lụt lội thay vì đắp đê ngăn không cho nước tràn vào.

 

Liên tiếp 3 cơn bão gây mưa lớn, ngập lụt tại Huế trong thời gian vừa qua cũng khiến nguy cơ làm biến dạng những di sản trong thành nội. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho hay, do ảnh hưởng của BĐKH, hiện tượng lũ lụt cục bộ thường xuyên xảy ra trong khu vực Kinh thành Huế, gây nguy hại đến cấu trúc thành lũy và làm tăng nguy cơ sụp đổ các công trình kiến trúc, hạ tầng và dân sinh. Theo đó, hiện không ít bức tường cổ kính của Kinh thành Huế bị lốc xô nghiêng, chân thành sụt lún. Nhà rường Huế mong manh trước bão lũ, các lăng ven sông Hương ngập bùn đất mỗi khi mưa lớn, bão mạnh đi qua.

 

Nghệ thuật sống chung với bão lũ

 

Tài liệu có lưu ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, khi ông đến Hội An trong vòng hai năm, bắt đầu từ 1624. Ông đã thấy: "mùa mưa làm nước sông dâng lên gây nên lụt lội”. Điều này càng chứng tỏ lụt lội đã xảy ra ở Hội An từ hàng trăm năm về trước. Và cũng vì thế mà  từ thời xa xưa, chủ nhân của những ngôi nhà ở Hội An khi xây dựng nhà cửa đã tính đến chuyện phải chống lụt, chống bão. Các nghiên cứu cũng cho thấy, để bảo vệ ngôi nhà khỏi mưa, bão, mái ngói ở những ngôi nhà trong phố cổ có vai trò quan trọng nhất. Ngói ở Hội An là loại ngói làm từ đất, mỏng, nung thô, có chu vi hình vuông, hơi cong. Đầu tiên, người ta xếp một hàng ngói ngửa lên sau đó là một hàng ngói úp xuống theo kiểu "âm dương”. Khi lợp xong mái, các viên ngói được cố định bằng vữa xi măng tạo thành những dải ngói nhô lên dọc xuôi theo mái. Hai bên cạnh của hàng ngói được đắp vữa để cố định chúng với nhau thật chắc chắn. Nhiều trận bão lớn đổ bộ vào Hội An, ở ngoại vi khu phố cổ, trong khi những ngôi nhà mới xây bị bay ngói, tốc mái tôn thì những ngôi nhà hàng mấy trăm tuổi trong phố với mái ngói âm dương chưa bị xuống cấp gần như an toàn tuyệt đối.

 

Lợp ngói nhà cổ Hội An cũng được coi là một  nghệ thuật, bởi theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An, mái ngói còn thì di tích còn…Ông cũng cho hay, nhờ sự chủ động ứng phó, thiệt hại do BĐKH gây ra đối với Di sản thế giới Hội An trong những năm gần đây giảm đáng kể. Trong mấy cơn cơn bão vừa qua, dù hình ảnh thành phố Hội An ngập nước nhưng không có di tích nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Ở Huế, để bảo vệ di tích, những năm vừa qua, thành phố này  đang  tập trung vào những giải pháp mang tính chất kỹ thuật. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã quyết định đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng lắp đặt hệ thống chống sét tại lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị, Cung Diên Thọ (Đại Nội Huế) và Cơ Mật Viện (Tam Tòa, Kinh thành Huế)...

Nguồn: ĐĐK