Bảo tồn di sản thiên nhiên bền vững dựa vào cộng đồng

Cập nhật: 28/11/2013
Ngoài hai di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), nước ta hiện có 8 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) được UNESCO công nhận. Các khu DTSQ chứa đựng các loại hệ sinh thái chủ yếu của quốc gia, có nhiều loài mang tính biểu tượng, hàm chứa giá trị văn hóa phong phú. Với những giá trị đó, các di sản thiên nhiên có nhiều cơ hội, điều kiện để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Thế nhưng, phần lớn các di sản này hoặc đang bị khai thác quá đà, hoặc chưa được đầu tư đúng mức, đúng cách.

 

Cù Lao Chàm nói không với túi nilong

 

Để bảo tồn thiên nhiên một cách bền vững cần dựa vào cộng đồng. Một mô hình tiêu biểu là Khu DTSQ Cù Lao Chàm. Nhằm giữ gìn hệ sinh thái, Cù Lao Chàm là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện hành động “nói không với túi nilon”; hỗ trợ, hướng dẫn người dân sinh sống trên đảo làm du lịch cộng đồng (homestay); tăng cường tuyên truyền, vận động du khách tham gia phần việc bảo tồn bằng cách ứng xử đúng… Chính quyền thành phố Hội An và xã đảo Tân Hiệp cũng đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm tăng từ 9.000 lượt người năm 2007 lên gần 200.000 lượt người trong năm 2013 nhưng di sản vẫn giữ được màu xanh vốn có. Người dân Cù Lao Chàm hiện có mức thu nhập trung bình 20 triệu đồng/ người/năm (tăng gấp 3 lần so với trước đây), nên đã toàn tâm bảo vệ di sản.

 

Sử dụng nguồn lực cộng đồng trong khu di sản để khai thác giá trị, tiềm năng một cách hợp lý, sử dụng nguồn lợi thu được để bảo tồn di sản cũng là quan điểm bảo tồn ở Khu DTSQ Cát Bà. Chương trình kinh tế chất lượng đã được triển khai tại Cát Bà từ năm 2006, bao gồm phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm; phát triển nông sản, xây dựng sản phẩm đặc thù dựa trên đặc sản của địa phương (mật ong, nước mắm, cam Gia Luận…); triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản, hải sản an toàn… không chỉ góp phần bảo tồn di sản thiên nhiên một cách bền vững, mà còn mang đến nguồn lợi không nhỏ cho người dân địa phương.

 

Di sản thiên nhiên gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người, bảo tồn di sản chính là bảo vệ cuộc sống của con người cho nên di sản này cần được bảo tồn và khai thác một cách hợp lý. Phương pháp dựa vào cộng đồng để bảo vệ di sản là một cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai phía người dân và di sản.

 

Nguồn: monre.gov.vn