Ưu tiên phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 13/01/2014
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện qua những chương trình, chính sách hướng tới phát triển nền kinh tế xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Nếu hành động đúng quy luật, con người sẽ tạo ra hướng có lợi cho môi trường tự nhiên.

 

Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

 

Giữa môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế có mối quan hệ hết sức chặt chẽ: môi trường tự nhiên là điều kiện cho kinh tế phát triển và kinh tế phát triển là cơ sở tạo nên các biến đổi của môi trường tự nhiên theo hướng ngày càng tốt hơn.

 

Ở những thời kỳ đầu của sự phát triển nền văn minh loài người, các lực lượng tự nhiên gần như thống trị hoàn toàn cuộc sống của con người, quyết định tính chất và nội dung mối quan hệ qua lại giữa con người với giới tự nhiên.

 

Dần dần, do sự phát triển của lao động và hoạt động nhận thức, con người học được cách chế ngự tự nhiên, thiết lập sự thống trị của mình với giới tự nhiên nhằm phục vụ cho mục đích mà yêu cầu cuộc sống của con người đòi hỏi. Tự nhiên, ở bất kỳ giai đoạn nào trong sự phát triển của xã hội loài người, cũng đều cung cấp cho con người những sản phẩm vật chất để con người sinh sống, như nguồn nước tinh khiết, không khí trong lành.

 

Cũng chính vì sự “tự nhiên” ấy, trong quá trình thúc đẩy kinh tế tăng trưởng con người đã phải lấy đi của tự nhiên rất nhiều những bộ phận thân thể của nó như động, thực vật, đất đai, khoáng chất... chính trong quá trình đó con người đã làm thay đổi giới tự nhiên. Có thể nói rằng, những biến đổi dù to hay nhỏ trong môi trường tự nhiên đều do quá trình tăng trưởng kinh tế đem lại. Vì mục đích phát triển kinh tế ấy, con người đã tác động đến môi trường tự nhiên theo hai hướng có lợi hoặc có hại.

 

Nếu hành động đúng quy luật, con người sẽ tạo ra hướng có lợi cho môi trường tự nhiên. Trong quá trình thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, con người đã tác động vào tự nhiên, ít nhiều cũng đã cải tạo môi trường tự nhiên, nâng cao sự hiểu biết sâu hơn về giới tự nhiên và đặc biệt là có thể tạo ra điều kiện vật chất để cải tạo, tái tạo môi trường tự nhiên.

 

Sự tăng trưởng kinh tế trên cơ sở áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất đã phần nào đó loại trừ được những hậu quả không mong muốn do sự tác động không kiểm soát được của con người gây ra cho tự nhiên.

 

Chẳng hạn, việc dùng lưới chuyên biệt để khai thác thủy hải sản đã loại trừ ra được những loại nhỏ để bảo đảm cân bằng môi trường biển và tạo vốn cho lần đánh bắt sau. Hơn nữa, chính sự tăng trưởng kinh tế sẽ tạo tiền đề vật chất để xử lý các sự cố môi trường, đảm bảo cho môi trường trong sạch.

 

Ở chiều ngược lại, con người tác động vào tự nhiên không theo quy luật như khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản quá mức sẽ làm cho môi trường tự nhiên mất cân bằng, ngày càng nghèo nàn, kiệt quệ, sự cân bằng sinh thái sẽ bị phá vỡ và tự nhiên sẽ “trả thù” con người.

 

Như vậy, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên vừa có sự thống nhất, vừa có sự mâu thuẫn. Sự thống nhất và mâu thuẫn đó đều thể hiện ở nền sản xuất xã hội. Con người không ngừng sản xuất ra của cải vật chất. Mọi của cải vật chất mà con người sản xuất ra xét đến cùng bằng cách này hay cách khác đều lấy vật liệu từ tự nhiên.

 

Trong quá trình tăng trưởng kinh tế, một mặt chúng ta phải đảm bảo cho sự phát triển, gia tăng đầu tư cho tăng trưởng kinh tế nhưng, đồng thời, cũng phải chi phí cho vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu không bảo vệ môi trường thì không thể đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế vì một phần đầu vào cho tăng trưởng kinh tế được lấy từ môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình này, người ta nhận thấy rằng, việc chi phí quá mức cho việc bảo vệ môi trường có thể cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhiều hình thức phát triển kinh tế của các nước đang phát triển đã dựa trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, dẫn đến sự xuống cấp về môi trường và sự xuống cấp này sẽ phá hoại chính sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

 

Tiếp cận “kinh tế xanh” để bảo vệ tài nguyên và môi trường

 

Ý tưởng phát triển “kinh tế xanh” được đưa ra từ những năm 70 của thế kỷ 20 nhưng phải đến tháng 10/2008, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) mới phối hợp với các nền kinh tế hàng đầu thế giới mới triển khai sáng kiến “kinh tế xanh” (Green Economy). Đây là một hướng tiếp cận mới, được nhiều quốc gia đồng tình hưởng ứng.

 

Theo UNEP, “kinh tế xanh” là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Hiểu một cách đơn giản, “kinh tế xanh” là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Đồng thời, nó là chiến lược kinh tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.


PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, giảng viên khoa phát triển bền vững Học viện Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), đưa ra quan điểm rằng tiếp cận kinh tế xanh không thay thế cho phát triển bền vững mà là một cách thức thực hiện phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ tài nguyên và môi trường. 

 

Theo quan điểm của Liên Hợp quốc, bảo vệ môi trường là những hành động thực hiện nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên, phòng ngừa hay giảm thiểu những tác động tiêu cực do các hoạt động kinh tế và xã hội của con người gây ra cho môi trường.

 

Ở Việt Nam, nguyên tắc bảo vệ môi trường được nêu rõ tại Điều 4, dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường 2005 “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân, đảm bảo quyền được sống và quyền yêu cầu được sống trong môi trường trong lành; Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và an sinh xã hội; bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; Bảo vệ môi trường phải phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế và xã hội; Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên; ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật; Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường”.

 

Tại một hội thảo góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường 2005 năm ngoái ở tỉnh Ninh Bình, ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường của Quốc hội, cho biết Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi tới đây sau sẽ đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới thể hiện quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu để người dân được sống trong môi trường trong sạch.

 

Nghiên cứu về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên cho ta thấy việc đánh giá tác động của phát triển kinh tế đến vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên và ngược lại. Từ đó giúp cho các nhà quản lý ra quyết định chủ động lựa chọn những phương án khả thi và tối ưu về kinh tế cũng như kỹ thuật trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình. Đồng thời sẽ giúp chúng ta kết hợp một cách thông minh giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên để có sự phát triển thực sự bền vững.

 

Tạo hóa ban cho con người tự nhiên là để giúp con người duy trì cuộc sống của mình. Nếu trong quá trình tồn tại phụ thuộc vào tự nhiên, con người không khai thác tự nhiên quá mức thì tự nó ắt sẽ cân bằng và sẽ cung cấp sản phẩm cho con người tồn tại. Con người cũng không nên tìm cách khai thác tối đa tự nhiên và cũng không cần phải bảo vệ tự nhiên. Tự nhiên sẽ tự bảo vệ chính nó. Nhưng muốn kinh tế phát triển được bền vững lâu dài, còn người phải khôn khéo khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách thận trọng, nghĩ trước làm sau thì nguồn tài nguyên thiên nhiên mới không bị suy kiệt và mãi ở lại với chúng ta.

Nguồn: MTX