Khu bảo tồn biển Hòn Mun

Cập nhật: 24/01/2014
Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong Vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160km² bao gồm khoảng 38 km² mặt đất và khoảng 122 km² vùng nước xung quanh các đảo.

 

Từ năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun - dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam chính thức ra đời. Dự án do Bộ Thủy sản, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và IUCN – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới thực hiện. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng thế giới; Chính phủ Hoàng Gia Đan Mạch thông qua DANIDA và IUCN – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tài trợ, cùng với vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

 

 

Vịnh Nha Trang là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn biển và du lịch biển của Việt Nam. Rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất ở Việt Nam với hơn 350 loài san hô cứng tạo rạn trong đó có 40 loài mới được ghi nhận cho Việt Nam, trên 230 loài cá rạn, 112 loài thân mềm, 112 loài giáp xác, 27 loài da gai, 69 loài rong và 7 loài cỏ biển... Mục đích của dự án nhằm “Bảo tồn một mô hình điển hình về đa dạng sinh học biển có tầm quan trọng quốc tế và đang bị đe dọa” và đạt được các mục tiêu “giúp các cộng đồng dân cư tại các đảo nâng cao đời sống và cộng tác với các bên liên quan khác để bảo vệ và quản lý có hiệu quả đa dạng sinh học biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, tạo nên một mô hình hợp tác quản lý cho các Khu bảo tồn biển của Việt Nam.”

 

Kết quả khảo sát đa dạng sinh học và nơi sinh cư Khu bảo tồn biển cho thấy Hòn Mun là nơi có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam. Nó có tầm vóc quốc tế vì nó có số loài tương tự như ở trung tâm thế giới về đa dạng san hô ở khu vực ấn Độ- Thái Bình Dương. Và người ta cũng đã tìm thấy 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới. 

 

 

Trong những hang động đá đen của Hòn Mun hàng năm có chim yến về làm tổ. Do địa thế của đảo rất gần với dòng hải lưu nóng từ phía xích đạo đưa tới nên thích hợp với điều kiện phát triển của san hô và nhiều loại sinh vật biển nhiệt đới cũng về đây quần tụ, đáy biển vùng Hòn Mun là một tập hợp quần thể sinh vật biển phong phú, đa dạng, là nơi quan sát, nghiên cứu rất lý thú, bổ ích cho các nhà nghiên cứu sinh vật biển, hải dương học và du khách muốn tìm hiểu về biển. Đến Hòn Mun, du khách có thể lặn biển hoặc đi tàu đáy kính để ngắm nhìn các rạn san hô nhiều màu sắc với nhiều loài sinh vật biển khác nhau. 

 

 

Ở Hòn Mun, chỉ cần đến độ sâu chừng 10m là bạn có thể chiêm ngưỡng được quang cảnh tuyệt vời của chốn thủy cung. Từ vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của “cánh đồng” san hô trải dài ngút tầm mắt với đủ loại san hô như san hô đỏ, san hô sừng nai… đến cảnh “sinh hoạt” sống động của những thần dân công chúa thủy tề. Bạn có thể thỏa thích vui đùa cùng với những đàn cá đủ chủng loại, đủ màu sắc. Đôi khi, bạn còn bắt gặp cả con cá mú khổng lồ, nặng 7-8kg; những chú cá chình dài 3-4m, hay những đàn cá cơm khổng lồ với diện tích trên 1km² lướt qua người… Nếu thích phiêu lưu, bạn có thể lặn sâu hơn. Ở độ sâu dưới 18m, đó mới thật sự là thám hiểm. Xuống độ sâu cỡ đó thì không còn cảnh đẹp của san hô, nhưng có nhiều hang động cho bạn tha hồ khám phá. Có những hang sâu 10-15m, khách phải dùng đèn để quan sát những sinh vật biển chuyên sống trong bóng tối như tôm, mực, tôm hùm, cá đuối… 

 

 

 

Hòn Mun hiện nay còn có những dịch vụ tổ chức đám cươi dưới đáy biển, những đôi uyên ương thường đến đây để tổ chức cho mình một lễ cưới thật là độc đáo và mới lạ. Hoà vào thiên nhiên, họ tổ chức ngày trọng đại nhất của đời mình cùng với khung cảnh lãng mạn, lung linh, huyền ảo dưới đáy đại dương. Đây cũng là một dịch vụ đang ngày càng thu hút được nhiều đôi bạn trẻ quan tâm và tìm hiểu. Mặc dù dịch vụ lặn biển đã được phát triển và mở rộng ở nhiều khu du lịch biển, thế nhưng Hòn Mun vẫn là điểm du lịch lặn biển đẹp nhất trong cả nước. Hòn Mun đã và đang để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với du khách tham quan trong cũng như ngoài nước.

Nguồn: Báo Khánh Hòa