Cây già nhất Việt Nam xanh trở lại

Cập nhật: 10/02/2014
Cây táu hoa trắng già nhất Việt Nam đã xanh tươi trở lại sau nhiều năm “xanh xao vàng vọt” nhờ sự nỗ lực của tỉnh Phú Thọ cũng như sự hỗ trợ của Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE).

Đại diện ban quản lý cụm di tích Đình – Đền – Lăng cho biết khoảng dăm bảy năm năm nay, cây táu nằm trước đền Thiên Cổ (ở thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cứ khô héo dần từ ngọn chính đến ngọn phụ.

 


Nhằm bảo vệ cụ cây 2.200 năm tuổi này, đầu tháng 7/2013 Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với quản lý cụm di tích Đình – Đền – Lăng cùng với VACNE và chuyên gia Úc đã tìm hiểu nguyên nhân và kết luận được đưa ra là do cây bị đất, bê tông đè lên rễ khiến cho “cụ cây” không thở được nên cây cứ héo ngọn rồi lan ra cành.

 

TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, cho biết sau nhiều nỗ lực cứu chữa đến nay cây táu già nhất Việt Nam đã xanh tươi trở lại.

 

Sau hơn 4 năm Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) phát động sự kiện vinh danh cây di sản Việt Nam, ngày càng phát lộ những kỷ lục về cây và những kỷ lục này sẽ luôn thay đổi vì nhiều địa phương đang làm thủ tục cho những cây cổ thụ còn nhiều tuổi hơn, cao hơn, và to hơn.

 

Trong số hơn 500 cây đã được vinh danh, cây sống thọ nhất Việt Nam thuộc về cây táu ở Phú Thọ  2.200 năm (có thông tin nói là 2.100 năm) có từ thời An Dương Vương ở TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ); cao nhất là cây samu dầu ở Vườn Quốc gia Pù Mát của tỉnh Nghệ An; cây đơn thân lớn nhất là cây tung ở Đắk Lắk có đường kính 6,5 mét; cây đa ở đền Thượng (tỉnh Lào Cai) tính cả rễ phụ có chu vi là 45 mét; tập đoàn 79 cây bàng, bằng lăng, thị rừng, điệp vàng ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

Ngoài những kỷ lục cây đã ghi nhận, cũng phải kể đến những cây khác nghìn tuổi gắn liền với ý nghĩa, lịch sử, văn hóa của đất nước như cây đa 1000 tuổi ở đình Quán La (phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) mà trong một lần về thăm thăm Xuân La tháng 11/1958, Bác Hồ đứng dưới bóng mát của cây cổ thụ này căn dặn cán bộ và nhân dân địa phương phải bảo vệ, gìn giữ những cây bóng mát muôn đời cho con cháu.

 

Rặng ruối 18 cây (ở Thôn Cam Lâm, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trên dưới 1000 năm, từng là nơi vua Ngô Quyền làm chỗ buộc voi chiến, ngựa chiến sau các cuộc tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc.

Nguồn: MTX