“Lão Mai” trở thành cây di sản

Cập nhật: 14/02/2014
"Lão Mai" là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Bến Tre và cũng là một trong số cây cổ thụ hiếm hoi của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

 

Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE), hôm nay, tại thành phố Bến Tre, UBND thành phố đã long trọng tổ chức lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Bạch mai trong khuôn viên đình Phú Tự, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre.

 

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, vui mừng chia sẻ: “Đúng vào dịp đầu Xuân Giáp Ngọ (2014), tôi rất vui mừng được thay mặt Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tới chúc mừng và trực tiếp trao “Bằng chứng nhận Cây Di sản Việt Nam” cho cây Bạch Mai nổi tiếng của Việt Nam, có tuổi cây hơn 300 năm đang đơm hoa và tỏa mùi thơm dịu dàng trong khuôn viên đình Phú Tự, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre.”

 

Hơn thế nữa "Lão Mai" này đã đi vào thơ, ca, đã trở thành niềm tự hào của người dân trong vùng và có người cho rằng: nhờ đất linh, mới  sinh kỳ hoa, dị thảo.

 

PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam khởi xướng và phát động cách đây gần  bốn năm, nhằm bảo tồn sự đa dạng về sinh học, bảo tồn các nguồn gien qúy hiếm, bảo vệ bền vững môi trường của chúng ta. Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đồng bào trong cả nước; được các ngành, các cấp chính quyền, các đoàn thể ủng hộ và được nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước tới dự, động viên cổ vũ.

 

Tới nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đã nhận được hàng nghìn bộ hồ sơ cây, từ mọi vùng miền trong cả nước gửi về đăng ký. Hội đồng Cây Di sản của Hội đã xét duyệt và công nhận được gần 600 cây, đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, trong đó có “Cụ cây” Bạch Mai này.

 

Sự kiện vinh danh cây Mai cổ thụ, cho sắc hoa màu trắng, mùi thơm dịu bay xa trong khuôn viên đình Phú Tự, không chỉ là sự kiện quan trọng nhằm bảo tồn sự đa dạng về sinh học, quảng bá du lịch cho địa phương, mà hơn thế, thông qua hoạt động này, chúng ta biết khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.

 

Chúng ta muốn bày tỏ sự trân trọng, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân. Họ đã để lại cho hậu thế những di sản vật chất và văn hóa quý báu; đồng thời qua đây chúng ta cũng góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Chúng ta không chỉ nhằm gìn giữ và phát triển một giống cây cụ thể, mà còn nhằm bảo vệ những điều hơn thế.



Bởi dưới những gốc Cây Di sản này, còn lưu giữ rất nhiều di sản khác. Trong đó, có dấu chân của những người đi mở đất và giữ đất, cùng những câu chuyện bi hùng về họ. Đó là nét đẹp Văn hóa truyền thống của người Việt Nam, mà hôm nay các đoàn thể, chính quyền và các ngành chức năng của Bến Tre và xã Phú Hưng đang kế thừa và phát triển.

 

“Thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, đặc biệt là UBND thành phố Bến Tre, xã Phú Hưng và Ban quản lý khu Di tích đình Phú Tự; đồng thời bày tỏ mong muốn các quý vị có mặt tại đây, cũng như đồng bào trong cả nước tăng cường  phối hợp với Hội, tiếp tục tìm tòi, để cử những cây cổ thụ vào danh sách Cây Di sản Việt Nam.”, ông Sỹ bày tỏ.

Nguồn: MTX