Quảng Nam: Tổng kết dự án Phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn và du lịch làng nghề

Cập nhật: 14/03/2014
UBND tỉnh Quảng Nam và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án “Phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn và du lịch làng nghề tại Quảng Nam”.

 

Phát biểu tại buổi tổng kết, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nói: “Một trong những điểm nổi bật của dự án là sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các văn phòng Liên Hợp Quốc, các tổ chức xã hội dân sự và khối tư nhân. Sự thành công của mối quan hệ hợp tác này cho phép việc tập hợp các nguồn lực nhỏ để tạo ra các ảnh hưởng lớn trong xã hội”.

 

Với sự hỗ trợ của Quỹ tín thác Hàn Quốc, từ tháng 2.2012, văn phòng UNESCO Hà Nội đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam khởi động dự án nhằm hỗ trợ các làng nghề thủ công tại Quảng Nam, đặc biệt là các khu vực gần hai khu Di sản Thế giới Hội An và Mỹ Sơn trong việc tái định hướng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đồng thời củng cố các giá trị văn hóa. Dự án xác định tập trung vào các việc phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu trong ngành sản xuất thủ công tại Quảng Nam.

Dự án đã lựa chọn 4 cộng đồng làng nghề để hỗ trợ phát triển sản phẩm gồm mộc Kim Bồng, đèn lồng Hội An, gốm Thanh Hà (TP Hội An) và gốm Duy Xuyên (huyện Duy Xuyên). Tại hội thảo tổng kết dự án, các bên tham gia đánh giá các hợp phần của dự án cho đến nay đều mang lại những kết quả khích lệ.

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, qua 2 năm thực hiện, dự án này đã đưa lại cách làm thực tiễn, tiết kiệm và hiệu quả đặc biệt trong việc duy trì sức sống của các làng nghề, nâng cao giá trị cho các sản phẩm thủ công truyền thống trong bối cảnh hiện đại và tận dụng được cơ hội từ sự phát triển du lịch tại địa phương đối với việc thúc đẩy các chuỗi giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Đồng thời, các sáng kiến trong dự án này cũng là những ví dụ tích cực cho việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có bản sắc, phản ánh giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh Quảng Nam.

 

Tại hội thảo này, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các bước đi tiếp theo nhằm đạt được sự phát triển bền vững và duy trì các kết quả của dự án ngay cả khi dự án đã kết thúc. Trong đó, nổi bật là đề xuất về cơ chế quản lý thương hiệu mới cho các sản phẩm thủ công sản xuất tại Quảng Nam và đề xuất về một mô hình Trung tâm thiết kế sản phẩm thủ công ngay tại địa phương để có thể hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công một cách lâu dài.

Nguồn: Báo Văn hóa