Bảo vệ rừng ở Đền Hùng

Cập nhật: 08/04/2014
Đền Hùng là nơi thờ tự các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Khu vực Rừng quốc gia Đền Hùng có diện tích 538 ha rất đa dạng phong phú về loài động, thực vật, trong đó có nhiều cây cổ thụ gắn với truyền thuyết và tâm linh của người Việt đã tạo cho cảnh quan khu di tích thiêng liêng, hùng vĩ. Đây vừa là thắng cảnh đẹp cũng là di tích lịch sử-văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người dân Việt Nam. Vì vậy, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan quanh năm đặc biệt là vào mùa lễ hội. Do vậy nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn, dễ xảy ra.

 

Đồng chí Trần Anh Sơn- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Việt Trì cho biết: “Bảo vệ rừng Đền Hùng là việc làm thường xuyên  nhưng trong dịp lễ hội càng trở nên cần thiết bởi lượng người đến Đền Hùng càng đông, tác động lên rừng càng lớn. Những năm gần đây ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được nâng lên, tuy nhiên chỉ một hành động nhỏ như đốt hương vào gốc cây, hóa vàng,  vứt tàn thuốc lá trong rừng… có khi vô tình gây cháy rừng. Vì vậy lực lượng kiểm lâm chúng tôi xác định phương châm “phòng là chính”,  phối hợp với lực lượng của Khu di tích Đền Hùng các xã lân cận bảo vệ nghiêm ngặt Rừng quốc gia Đền Hùng”.

 

Có dịp đi tuần rừng cùng cán bộ kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng chúng tôi được biết:  Khu vực được xác định là khu bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm 32 ha chủ yếu khu vực núi Nghĩa Lĩnh. Trong khu vực này có 13,1 ha rừng tự nhiên còn lại là rừng trồng bằng các loại cây bản địa, rừng thông và các cây lưu niệm. Diện tích rừng này gắn liền với đền, chùa, nhà bảo tàng do vậy chịu áp lực rất lớn của con người trong thời gian tổ chức lễ hội. Ngoài ra các khu vực khác chủ yếu là rừng trồng thảm thực vật nhiều dễ xảy ra cháy. Hiện nay, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh có đường vành đai, đường đi dạo lượng du khách qua lại nhiều để vãn cảnh nên  cần quan tâm bảo vệ tránh xâm hại đến rừng.

 

Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR trong dịp lễ hội, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ rừng Quốc gia Đền Hùng trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, quyết định trưng tập 25 cán bộ, công chức Kiểm lâm để thành lập các tổ đội bảo vệ. Hạt kiểm lâm Việt Trì đã phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức lực lượng bảo vệ rừng theo nhiệm vụ được giao, tổ chức diễn tập vận hành các phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng được trang bị, triển khai tập huấn nghiệp vụ PCCCR, BVR cho lực lượng BVR của khu di tích và các  hộ nhận khoán bảo vệ rừng.  Các tổ bảo vệ thường xuyên tuần tra và báo cáo tình hình về thường trực đội. Nếu phát hiện cháy rừng đội BVR phải tổ chức huy động lực lượng dập ngay đám cháy. Nếu xảy ra cháy lớn phải huy động các lực lượng phối hợp như: Cảnh sát PCCC, đội bảo vệ Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các tổ đội PCCCR ở xã… để tổ chức dập tắt đám cháy.

 

Khu di tích lịch sử Đền Hùng là chủ rừng bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, phối hợp với lực lượng kiểm lâm kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi xâm hại rừng. Phương tiện chữa cháy lực lượng kiểm lâm được trang bị gồm: 1 xe ô tô, 1 máy bơm công suất lớn, 1km vòi bơm, 3 máy thổi khí, dao phát, đèn pin... Các nơi xung yếu đều có họng cứu hỏa. Hệ thống bộ đàm, đài FM làm chức năng thông tin, cảnh báo cháy rừng. Để kiểm tra khả năng tác chiến, sẵn sàng tham gia chữa cháy của các lực lượng khi có cháy rừng xảy ra trong dịp lễ hội, Công an tỉnh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức diễn tập chữa cháy tại khu vực núi Nỏn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.           

  
Bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các ngành chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ rừng là việc làm quan trọng, ngoài việc tổ chức lớp tập huấn Hạt kiểm Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức như: Qua hệ thống loa, đài truyền thanh, phát tờ gấp đến các đối tượng vì bảo vệ rừng Quốc gia Đền Hùng là trách nhiệm của toàn dân nhằm phát triển và giữ gìn diện tích rừng nguyên sinh, rừng Quốc gia Đền Hùng, khôi phục hệ sinh thái rừng xứng đáng với sự tôn vinh ngưỡng mộ của cả dân tộc. Vì vậy, mỗi người dân khi hành hương về đất Tổ cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng Quốc gia Đền Hùng.

Nguồn: Báo Phú Thọ