Dịch vụ du lịch đạt chuẩn: Góp phần phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 10/04/2014
Chất lượng dịch vụ du lịch là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đủ điều kiện để cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là một việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay...

 

Thực hiện Thông tư 88/TT-BVHTTDL ngày 30-12-2008 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 1-6-2007 về lưu trú du lịch, bắt đầu từ tháng 3-2009, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đã tiến hành triển khai việc cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tới các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được công nhận và gắn biển dịch vụ du lịch đạt chuẩn, ngoài việc phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, còn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mặt bằng diện tích kinh doanh, trình độ nguồn nhân lực, chất lượng hàng hoá, vệ sinh môi trường… Từ các tiêu chí trên, sau 5 năm triển khai, chương trình cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông v.v. và sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh đã thấy được lợi ích kinh tế thiết thực của chính mình khi tham gia và được công nhận đạt chuẩn. Cụ thể, du khách sẽ biết nhiều hơn đến doanh nghiệp và sản phẩm của họ, chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh du lịch được cải thiện. Ông Lê Nam Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, chủ Trung tâm mua sắm Mỹ Ngọc, đơn vị vừa được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, chia sẻ: “-Việc cấp biển hiệu cơ sở mua sắm đạt chuẩn du lịch cho doanh nghiệp không chỉ là vinh dự, mà còn nhắc nhở chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa những sản phẩm chất lượng tốt nhất để phục vụ du khách...”. Một số cơ sở kinh doanh cũng cho biết, từ khi được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, công việc kinh doanh của họ đã thuận lợi hơn, tạo được uy tín, niềm tin đối với khách hàng...

 

Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có tổng số 59 điểm cơ sở kinh doanh được cấp biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, bao gồm 12 điểm mua sắm và 47 nhà hàng tại 8 địa phương: TP Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Cẩm Phả, Quảng Yên v.v.. Điều đáng nói là  tại một số địa bàn du lịch trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh, số điểm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch lại không nhiều. Như TP Móng Cái, một trung tâm du lịch thương mại biên giới sầm uất, nhưng ngoài 4 nhà hàng được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, còn lại vẫn chưa có điểm mua sắm nào được cấp biển công nhận đạt chuẩn; TP Hạ Long với hàng ngàn điểm dịch vụ du lịch nhưng cũng chỉ có 27 điểm đạt chuẩn. Hay huyện đảo Vân Đồn cũng rơi vào tình trạng tương tự, Vân Đồn cũng mới chỉ có 2 nhà hàng được cấp biển đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...

 

Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà đăng ký để được gắn biển đạt chuẩn, trong đó phải nói đến sự hạn chế về nhận thức của một số chủ doanh nghiệp, chưa thấy được lợi ích cũng như sự cần thiết của việc cấp biển hiệu đạt chuẩn. Còn một số cơ sở kinh doanh nhỏ thì muốn nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn bắt buộc, như điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng hàng hoá dịch vụ, cách bài trí, việc niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý nhân sự... theo quy định của Tổng cục Du lịch. Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp lớn, đã tạo dựng được thương hiệu riêng nên ít quan tâm đến chương trình này. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác nữa là do chương trình tuyên truyền, quảng bá chưa thực sự phong phú hấp dẫn vì chưa được đầu tư đúng mức, chưa tiếp cận rộng rãi đến các đối tượng doanh nghiệp, đến thị trường du lịch khiến cho các đơn vị kinh doanh chưa thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia. Thêm nữa, chương trình vẫn chưa thực sự tạo được sự kết nối giữa các đơn vị lữ hành với các cơ sở được cấp biển hiệu đạt chuẩn. Đó là những lý do vì sao một số doanh nghiệp vẫn thờ ơ với chương trình này.

 

Ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết, việc các cơ sở kinh doanh mua sắm, ăn uống phục vụ khách du lịch được cấp biển đạt chuẩn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh, đa dạng hoá sản phẩm du lịch. Cơ sở kinh doanh được cấp biển đạt chuẩn có cơ hội khẳng định thương hiệu và xây dựng niềm tin với khách hàng tạo nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch và địa phương. Đây là mô hình tích cực cần được nhân rộng để du lịch Quảng Ninh ngày càng phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch, các chi hội lữ hành, các hướng dẫn viên du lịch v.v. vận động và kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các cơ sở được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch để đưa vào các tour phục vụ khách du lịch, cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng phát triển. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cũng đang xúc tiến thành lập Chi hội cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với mục đích gắn kết các doanh nghiệp du lịch lại với nhau, cùng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh du lịch, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch có đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan nhằm nâng cao chất lượng du lịch với mục tiêu phấn đấu là tất cả các điểm dịch vụ phục vụ khách du lịch ở Quảng Ninh đều phải đạt chuẩn...

Nguồn: Báo Quảng Ninh