Yêu cầu dừng thu phí dịch vụ môi trường rừng tại Vườn QG Phong Nha - Kẻ Bàng

Cập nhật: 24/04/2014
Thời gian qua, rất nhiều khách du lịch ngỡ ngàng trước việc các trạm kiểm lâm trên đường Hồ Chí Minh, tuyến tây Trường Sơn đoạn qua di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) hạ cần barie xuống để thu tiền dịch vụ môi trường rừng. Thông báo thu tiền dịch vụ môi trường rừng do Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ban hành

Được biết, ngày 14.1.2014, ông Hoàng Hải Vân, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã ký văn bản thông báo thu phí dịch vụ môi trường rừng 40.000 đồng mỗi lượt khách. Rồi sau đó, ngày 7.4.2014, Ban quản lý Vườn lại ra tiếp văn bản chỉ rõ 5 tuyến phải chi trả dịch vụ môi trường rừng với giá tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 tháng.

Điều đáng nói, quy định việc thu tiền này lại giao cho các trạm kiểm lâm thu là không nằm trong chức năng nhiệm vụ của kiểm lâm. Các công ty lữ hành trên địa bàn cho biết, việc thu này là một kiểu “tận thu” bởi giá vé vào tham quan đã được tính cả chi phí dịch vụ môi trường rừng và nộp cho ngân sách địa phương.

Theo một lãnh đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết, cơ sở để thu phí nói trên là theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP “Về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”.

 

 

Thông báo thu dịch vụ môi trường rừng của Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng

gây xôn xao dư luận

 

Tuy nhiên, khi soi chiếu với Nghị định này, tại điểm a, khoản 4, điều 11, quy định: “Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tính bằng 1% đến 2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ”. Như vậy, nếu so sánh với giá vé vào động Thiên Đường là 200.000 đồng, thì mỗi người phải chi trả từ 2.000 đồng đến 4.000 đồng/ lần tham quan. Ở mức thu 80.000 đồng theo quy định của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đã vượt 20 lần theo quy định của Chính phủ.

Theo giải thích của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng thì mức thu như vậy là theo thỏa thuận giữa vườn và các công ty lữ hành như quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định 99 của Chính phủ nói rõ: Được phép thỏa thuận nhưng không trái với quy định của Nghị định này. Như vậy, việc thỏa thuận chỉ ở mức 1% hoặc 2% chứ không thể vượt quá.

Hơn nữa, khoản 3 điều 5 của Nghị định 99 nói rõ: “Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là tiền của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủy thác cho quỹ để trả cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng”.

Theo nghị định thì có 2 cách chi trả: trực tiếp và gián tiếp. Về cách thức tổ chức thực hiện, UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các đề án, dự án liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Nguồn: baovanhoa.vn