Điện Bàn là huyện đồng bằng ven biển phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, có diện tích tự nhiên là 21.428 ha. Lịch sử hình thành và phát triển của Điện Bàn gắn liền với quá trình mở đất của dân tộc Việt về phương Nam. Qua nhiều thế kỷ, địa giới hành chính có nhiều thay đổi nhưng tên gọi Điện Bàn vẫn được lưu giữ với nhiều truyền thống tốt đẹp về văn hóa lịch sử và cách mạng.
Đất mẹ anh hùng
Điện Bàn được mệnh danh là vùng “địa linh nhân kiệt”, “đất học”, “đất khoa bảng” với vinh danh “ngũ phụng tề phi”, “tứ hổ đăng khoa” gắn liền với tên tuổi các nhà khoa bảng, danh nhân, chí sĩ nổi tiếng như: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Thành Ý, Phạm Như Xương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phạm Liệu, Lê Đình Thám, Phan Thanh, Phan Bôi...
Nói đến Điện Bàn cũng là nói đến vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) tiêu biểu của cả nước như: Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Phan Vinh, Võ Như Hưng, mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (Điện Thắng) có 9 con liệt sĩ, mẹ VNAH Nguyễn Thị Lân (Điện Hòa) có chồng và 7 con là liệt sĩ... Huyện Điện Bàn và 15/16 xã, thị trấn, 5 đơn vị, 27 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trải qua nhiều năm xây dựng, Điện Bàn không ngừng đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế - văn hóa - xã hội. Đặc biệt, sự ra đời của khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đã tạo cho Điện Bàn một diện mạo mới. Với những tiềm năng vốn có của mình, Điện Bàn đang trên đường phát triển với những thành công, trong đó, phải kể đến công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp cho vùng đất này.
Gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế
Điện bàn là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển mạnh của tỉnh. Nhưng kèm theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lĩnh vực này gây ra. Để sớm khắc phục vấn đề này, thời gian qua, nhiều hộ gia đình trong huyện đã liên hệ với Trạm khuyến nông & khuyến lâm Điện Bàn nhờ tư vấn lắp đặt bể khí sinh học biogas.
Việc lắp đặt bể khí này không chỉ giải quyết rốt ráo chuyện bức xúc liên quan đến môi trường sinh thái mà còn mang lại nhiều lợi ích khác. Theo ông Nguyễn Văn Rân - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Điện Bàn, những năm gần đây ngành chăn nuôi của huyện phát triển mạnh về số lượng và quy mô. Theo thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện có tổng cộng 87.552 con gia súc và 865.168 con gia cầm. Tuy nhiên, do thời gian qua quỹ đất dành cho chăn nuôi còn hạn chế nên đa số chuồng trại đều nằm gần hoặc giữa các khu dân cư.
Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa được người dân xây dựng một cách đồng bộ và bài bản khiến môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng. Trước thực trạng đó, ngành liên quan và chính quyền các địa phương ở huyện Điện Bàn xác định rằng, đi đôi với việc khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi thì cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đây được xem là vấn đề ưu tiên thực hiện để phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết, mặc dù ngân sách địa phương còn eo hẹp nhưng để kịp thời động viên, khích lệ phong trào, UBND huyện Điện Bàn đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi với mức mỗi hộ 1 triệu đồng khi lắp đặt bể khí này. Ông Thanh cho biết thêm, nhờ tiếp sức từ phía chính quyền nên thời gian qua phong trào lắp đặt hệ thống bể khí sinh học biogas composite được thực hiện mạnh mẽ ở rất nhiều nơi, nhất là tại các xã có số lượng đàn vật nuôi lớn như: Điện Thắng Bắc, Điện Tiến, Điện Hòa, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Thắng Trung...
Nhờ chú trọng xây dựng, lắp đặt hệ thống hầm khí biogas nên lượng nước thải, chất thải từ việc chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đã được xử lý một cách triệt để. Góp phần đưa Điện Bàn trở thành địa phương đi đầu trong việc xây dựng môi trường xanh. “Thời gian tới, các đơn vị sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mô hình này tiếp tục được nhân rộng nhằm góp phần ngăn chặn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người và vật nuôi. Hơn nữa, bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới” - ông Thanh cho biết.
Xây dựng hệ thống xử lý chất thải ở nông thôn
Bên cạnh việc bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, ngành chức năng huyện Điện Bàn đã và đang thực hiện Đề án thu gom và xử lý chất thải rắn của huyện. Xã Điện An là một trong những địa phương đang được xây dựng Phương án thu gom và xử lý chất thải rắn từ năm 2010. Nhưng do gặp khó khăn về chọn địa điểm xây dựng bãi trung chuyển rác nên đến năm 2011 xã mới đưa vào thực hiện thí điểm ở 2 thôn Ngọc Tứ, Ngọc Liên. Đến nay, tổng số hộ của 2 thôn đang thực hiện thu gom rác thải là 240 hộ/360 hộ ( 66%). Số hộ dọc quốc lộ 1A và tỉnh lộ 609 do Công ty Môi trường đô thị trực tiếp thu gom là 385 hộ.
Như vậy toàn xã mới chỉ có 625 hộ/3384 hộ tham gia vào Đề án, chỉ chiếm 18,5%. Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những tồn tại như: Do mới thực hiện thí điểm 2 thôn, nên người dân ở các thôn khác vứt rác bừa bãi dọc đường vào bãi trung chuyển rác, làm cho lượng rác tăng lên; dọc tuyến đường ĐT 609 không có thùng rác nên nhân dân vứt bỏ trên lề đường ảnh hưởng cảnh quan cũng như môi trường; chưa có xe thô sơ thu gom rác thải trong các đường giao thông nhỏ, hẹp....
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Rân cho biết, trong thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường huyện đang tổ chức kiểm tra nắm tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện để có kế hoạch lâu dài. Tham gia nhận xét Đề án cải tạo phục hồi môi trường dự án khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Điện Thọ của Công ty CP Xây dựng và Vật liệu Phước Lợi. Cùng Tổ kiểm tra liên ngành huyện kiểm tra hoạt động kiểm soát giết mổ động vật, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn huyện, chọn địa điểm quy hoạch khu giết mổ gia súc ở xã Điện Phong. Phối hợp với Sở TN&MT tỉnh kiểm tra việc hoàn thành các công trình biện pháp bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH VBL Quảng Nam, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty Giầy Rieker theo kiến nghị của Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh.
Hiện ngành đang tham mưu cho UBND huyện giải quyết đơn thư khiếu nại về môi trường. Tiếp tục thực hiện Đề án thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện và phương án quản lý rác thải nông thôn của tỉnh. Triển khai kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện quản lý, tham mưu UBND huyện xử lý theo thẩm quyền. Phối hợp với tổ kiểm tra liên ngành huyện kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm và kiểm soát giết mổ trên địa bàn huyện.
Điện Bàn, miền châu thổ hạ lưu sông Thu Bồn, nơi mà tên đất, tên người từng gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại trong tiến trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc. Ngay từ những ngày đầu, Điện Bàn đã được biết đến là một vùng đất trù phú, là “phên dậu” về phương Nam của Tổ quốc. Xứng danh vùng đất anh hùng, các thế hệ người Điện Bàn hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thi đua lập nhiều thành tích để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.