Bảo tồn di tích ồ ạt, lợi bất cập hại

Cập nhật: 15/05/2014
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều di tích, lễ hội văn hóa truyền thống đã được bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị trong đời sống. Nhưng câu chuyện bảo tồn di tích lịch sử-văn hóa vẫn còn nhiều điều đáng nói...

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) khẳng định các thành tựu xây dựng văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được trùng tu, tôn tạo, làm mới, được phát hiện và phục hồi, được công nhận là di sản văn hóa nhân loại hoặc quốc gia.

Bảo tồn ồ ạt

Hàng ngàn lễ hội cổ truyền đã được phục hồi, bảo tồn ở các địa phương, vùng miền, các tộc người; rất nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, quốc tế có nguy cơ biến mất đã được "giải cứu".

 

Trong 15 năm qua (1998-2013), Việt Nam đã có 14 di sản vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhiều di sản đã thực sự nuôi sống cộng đồng khu vực di tích đó mà Hội An, Huế chính là 2 điển hình.

 

 

Nhiều lễ hội đã được quan tâm phục dựng và đưa trở về đúng vai trò quan trọng của nó. Đáng kể nhất phải kể đến Lễ hội Đền Hùng. Lễ giỗ Quốc tổ đã được tổ chức trang trọng, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất và đã trở thành sự kiện đoàn kết dân tộc mạnh mẽ, có uy tín.

 

Tuy nhiên, trong phong trào, xu thế bảo tồn mạnh mẽ, đã có cuộc chạy đua âm thầm giữa các địa phương mong muốn đưa di tích của mình vào danh sách di sản cấp quốc gia, quốc tế để có tiền đầu tư trùng tu nâng cấp, bảo tồn hoặc có cái danh để tổ chức lễ hội rầm rộ, thu hút khách thập phương.

 

Di tích nào cũng mong muốn trở thành di sản cấp quốc gia, di sản nào cũng muốn làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Trong khi rất nhiều trong số này di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng tới mức hầu như không còn gì.

 

Bên cạnh đó, có những di tích đã bị trùng tu quá đà, làm biến đổi tới mức diện mạo mới gần như không còn giữ được những giá trị đặc sắc truyền thống của mình. Nhiều di tích sau khi được trùng tu bỗng trở nên “hoành tráng" hơn nguyên mẫu nên làm mất đi nét đẹp nguyên thủy của nó. Có thể kể đến trường hợp như di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), thành nhà Mạc (Tuyên Quang), Đàn Nam Giao-thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), hay di tích đền Đô, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Trăm Gian (Hà Nội), đình Ngu Nhuế (Hưng Yên)… Một số công trình kiến trúc văn hóa cổ được phục hồi tôn tạo, bảo tồn một cách tùy tiện, không đúng với tinh thần của giá trị truyền thống; một số di tích bị xâm hại hằng ngày hằng giờ như làng cổ Đường Lâm hoặc ý nghĩa văn hóa của một số lễ hội đã bị giải thích sai lệch, dẫn đến những biến tướng lệch chuẩn mà kết cục là việc tổ chức lễ hội tràn lan.

 

Các chức năng, giá trị văn hóa tôn giáo của các lễ hội cũng chưa được phát huy đúng đắn, thậm chí có thể bị lợi dụng cho các mục đích sai trái, mê tín dị đoan. Đó là câu chuyện ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Bảo Hà (Lào Cai)… Nơi đây đã trở thành điểm đến để xin vay lộc thánh. Nghi thức hát hầu đồng đã bị biến tướng thành mê tín dị đoan để kiếm tiền từ người dân với những giá đồng lên tới hàng tỷ đồng. 

 

Đã đến lúc phải điều chỉnh cách làm

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, TS Trần Nho Thìn (Khoa Văn học, Trường ĐH KHXHNV) cho rằng “trong nhận thức của không ít cán bộ văn hóa cơ sở, tất cả cái gì xưa cũ đều là truyền thống, đều có giá trị, đều mang bản sắc, đều đáng phục hồi, bảo tồn”.

 

“Chúng ta dễ dãi thỏa hiệp với một số hình thức lễ hội, một số hoạt động văn hóa lệch lạc. Chúng ta chưa nghiên cứu làm rõ cái tạo nên giá trị và bản sắc của các biểu hiện và hoạt động văn hóa truyền thống”, ông Thìn phân tích.

 

Lỗi “nhận thức” này Bộ VHTTDL cũng đã phải thừa nhận là bắt nguồn từ việc xây dựng thể chế văn hoá còn chậm và nhiều thiếu sót. Chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá chậm được ban hành. Bộ máy tổ chức ngành Văn hoá chưa được sắp xếp hợp lý để phát huy cao hơn hiệu lực lãnh đạo và quản lý.

 

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và quản lý văn hoá chưa đáp ứng yêu cầu, còn hẫng hụt cán bộ văn hoá ở các vị trí quan trọng. Không chỉ ở địa phương mà ngay trong các cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa, lực lượng cán bộ, nhân viên có kiến thức, năng lực và nhận thức về văn hóa cũng chưa đủ, chưa chuẩn và chưa cao. Tại các khu di tích, ban quản lý các lễ hội hầu như không có người am hiểu về văn hóa về chính di tích, lễ hội họ quản lý, chịu trách nhiệm bảo tồn.

 

Trong đợt kiểm tra công tác chuẩn bị mùa lễ hội 2014 vừa qua, đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã phát hiện rất nhiều đồ thờ trên các ban bệ thờ của di tích đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) bị bày biện sai. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những can thiệp thô bạo, thiếu hiểu biết khiến di tích dễ bị xâm phạm, hủy hoại.

 

Chính vì thế mà ngày càng xuất hiện nhiều biểu hiện lệch lạc, lợi dụng danh nghĩa văn hóa truyền thống, giải thích sai trái ý nghĩa của văn hóa truyền thống ở một số địa phương mà báo chí gần đây tập trung phê phán.

 

Để xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đề ra, tất nhiên phải bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống thông qua các di sản di tích, hoạt động văn hóa. Nhưng dù có ý tưởng đúng đắn nhưng cách làm không phù hợp thì rõ ràng là “lợi bất cập hại”.

 

Nguyệt Hà

Nguồn: Chinhphu.vn