Bàn về quy hoạch du lịch đảo Cát Bà

Cập nhật: 19/05/2014
Cát Bà đang là điểm đến mới thu hút du khách trong và ngoài nước, là trọng điểm du lịch đứng đầu về thu hút khách của Hải Phòng. Lãnh đạo thành phố rất quan tâm phát triển du lịch Cát Bà cùng với việc xây dựng cảng Lạch Huyện, bắc cầu vượt biển ra Cát Hải và lập quy hoạch du lịch hòn đảo Ngọc. Sau đây là một số ý kiến trao đổi về quy hoạch du lịch Cát Bà.

Trước hết, phát triển địa bàn du lịch cần có quy hoạch có tầm nhìn xa và có phân kỳ thời gian phát triển, phân loại đất đai, phân định chức năng từng khu vực, phân khúc đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch…

 

Vấn đề thứ hai là môi trường. Bởi môi trường là vấn đề sống còn của du lịch. Cát Bà có vườn quốc gia, là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có sức hút lớn đối với khách du lịch. Du lịch sinh thái rừng ngập mặn nay là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Cát Bà, có sức cạnh tranh với các khu du lịch lân cận. Ngoài leo núi, đi xuyên vườn quốc gia, tắm biển ở bãi cát mini trên vịnh Lan Hạ, du khách còn có thể chèo thuyền trong rặng sú vẹt, quan sát đa dạng sinh vật rừng ngậm mặn… Sản phẩm này vừa có thể giữ chân khách, kéo dài ngày lưu trú, vừa bảo vệ được môi trường. Khách nước ngoài thường đến Cát Bà trong ngày, lưu trú tại Hạ Long, vì các điểm vui chơi không có giải trí.    

 

Cuối cùng là cơ chế quản lý. Nếu chỉ đầu tư làm quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết thì mới chỉ dừng lại ở định hướng, kém hiệu quả trong thực tế.

 

Quy hoạch phải được pháp lý hóa. Đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch và đất ở, đất canh tác, phải được sự cấp phép cụ thể của cơ quan chuyên trách; quy định rõ thưởng phạt, thực thi triệt để, nghiêm minh. Quy hoạch cần có tính động. Sau một thời gian nhất định, trải qua biến chuyển kinh tế - xã hội phải nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Song về nguyên tắc, phải giữ được một số sản phẩm đặc thù nguyên sơ của du lịch Cát Bà. Đó là rừng quốc gia với đa dạng sinh học và các hang động, rừng ngập mặn, cảnh quan đường xuyên đảo, những bãi cát mini vịnh Lan Hạ, hòn Guốc, làng chài Việt Hải, di chỉ Cái Bèo và một số lễ hội truyền thống tiêu biểu.

 

Để du lịch Cát Bà phát triển bền vững, không chỉ có quy hoạch dài hạn mà rất cần có quy hoạch ngắn hạn, không chỉ quy hoạch không gian toàn đảo mà cần có quy hoạch từng điểm đến, khu vực dân cư. Đồng thời, cần có kế hoạch đào tạo nhân lực du lịch tại chỗ.

Nguồn: vtr.org.vn