Được biết đến với không gian hữu tình, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có tiềm năng văn hóa, du lịch Na Hang trong những năm qua đã có sự tăng trưởng về lượng khách.
Vào mùa hè, nhất là tháng 7 –8, nước trong lòng hồ Tuyên Quang lên khi thủy điện Tuyên Quang đóng đập, tuyến du lịch theo sông Gâm đông hơn so với những mùa khác.
Thông tin từ Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang, năm 2013 tổng lượng khách du lịch đến Khu du lịch sinh thái Na Hang đạt 85.400 lượt khách (Khách quốc tế 909 lượt khách, khách trong nước 84.491 lượt khách), tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng khách tham quan tuyến du lịch bằng đường thủy khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang có 1.014 đoàn với 16.574 lượt người (khách quốc tế 754 lượt người, khách trong nước 15.820 lượt người), doanh thu dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng đường thuỷ đạt 1.628 triệu đồng.
Trong những tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến đây lên tới khoảng 22.000 lượt khách, trong đó, số khách lưu trú lại nơi đây là trên 3500 lượt. Tuy lượng khách đến nơi đây có sự tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chủ yếu là khách nội địa, thời gian lưu trú ngắn, có một lượng lớn khách chỉ tới tham quan trong ngày, hành trình liên kết giữa các địa phương trong khu vực vẫn còn khó khăn do vị trí xa xôi, vì vậy, Na Hang vẫn chưa đón được nhiều đoàn khách của các doanh nghiệp du lịch từ các vùng, miền trong cả nước về đây nên doanh thu từ du lịch của người dân địa phương không cao.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết, hiện nay du lịch Thế hệ trẻ đang thực hiện một hành trình nối liền các tuyến điểm từ Hà Giang – Tuyên Quang và Bắc Cạn, với các danh thắng cao nguyên đá Đồng Văn – Hồ Na Hang - Hồ Ba Bể và được du khách đến từ TP.HCM rất thích. Ông Dũng cho biết: “Trước tới giờ, ít ai nghĩ rằng có thể kết hợp hai tuyến này trở thành một tuyến du lịch, nguyên do là hai địa danh này nằm cách xa nhau gần 300km, như vậy thì làm một tuyến điểm thì kéo dài ngày, chưa kể đường xá, làm cho du khách mệt mỏi. Nhưng lần nay, công ty tôi có tham vọng nối hai điểm này thông qua một giang trình thủy lộ sông Gâm và sông Năng”.
Việc các doanh nghiệp đưa hành trình qua sông Gâm và sông Năng trong một chương trình sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tạo cho du khách sự thư thái và có thể trải nghiệm những điều đặc sắc hai bên bờ sông và biết thêm một số điểm du lịch của Tuyên Quang. Điều này sẽ góp phần quảng bá cho hành trình du lịch trên sông Gâm trở thành một sản phẩm được du khách chọn lựa khi tới Tuyên Quang.
Nguyễn Thảo