(TITC) - Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (4/12/1999 – 4/12/2014), 5 năm ngày Cù Lao Chàm được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới (26/5/2009 – 26/5/2014), UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức “Năm Di sản và môi trường Hội An”.
Đây là dịp để các cơ quan quản lý, nhân dân Quảng Nam và du khách nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Đô thị Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, cũng như làm phong phú thêm môi trường sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, từ đó đề ra hướng phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Nam với chủ trương “Xây dựng một thành phố xanh”.
Trong khuôn khổ “Năm Di sản và môi trường Hội An”, từ ngày 20 - 26/5, tại trung tâm TP. Hội An và Cù Lao Chàm diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: hội thảo đánh giá kết quả hoạt động 5 năm Khu dự trữ sinh quyển và 10 năm Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; sơ kết 5 năm thực hiện chương trình “Cù Lao Chàm nói không với túi nilông”; ngày hội “Ngư dân và biển đảo Cù Lao Chàm”; chung kết giải bóng chuyền (nam) bãi biển; thi chèo thúng chai nam và bơi thúng chai nữ; các trò chơi đua thuyền trên cát, cướp cờ, Bài Chòi; trình diễn nghề đan võng bằng cây ngô đồng; giới thiệu dịch vụ Yến Sào Cù Lao Chàm... Dịp này, TP. Hội An cũng tổ chức tour khám phá Cù Lao Chàm (tham quan hang Yến và làng chài Bãi Hương trong thời gian 1,5 ngày); phát động cuộc thi tìm hiểu về Hội An qua internet.
Bên cạnh đó, chương trình kỷ niệm còn có nhiều hoạt động đặc sắc khác được tổ chức vào cuối năm 2014 như hội thảo “Kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Hội An, Mỹ Sơn và Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm”, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam (03/12/2014); liên hoan và triển lãm ảnh lưu động với chủ đề “Di sản văn hóa và danh thắng Quảng Nam” tại thành phố Tam Kỳ, Hội An và huyện Duy Xuyên (từ ngày 30/11 - 20/12/2014) cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trưng bày triển lãm, hội thảo, lễ hội...
Nằm ở khu vực hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, đô thị cổ Hội An là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Nơi đây còn giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Trong nhiều thế kỷ, Hội An là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến 4/12/1999 ở Marrakesh (Maroc), UNESCO đã ghi tên đô thị cổ Hội An vào danh mục các Di sản Văn hóa Thế giới.
Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách TP. Hội An khoảng 40km về phía tây nam. Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa với khoảng 70 đền tháp, 32 bi ký tồn tại ở các dạng khác nhau, là những cứ liệu quan trọng để tìm hiểu quá trình phát triển của nghệ thuật Chăm. Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới tại phiên họp thứ 23 ngày 4/12/1999 ở Marrakesh (Maroc).
Thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại 15km, Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai và Hòn Ông. Với hệ động thực vật phong phú cùng những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới trong phiên họp thứ 21 ngày 29/5/2009 tại đảo Jeju (Hàn Quốc).
|
Phạm Phương