(TITC) - Nhân dịp Diễn dàn du lịch ASEAN (ATF) 2014 diễn ra tại Ma-lay-xi-a vừa qua, Bộ Văn hóa và Du lịch Ma-lay-xi-a đã cho xuất bản cuốn sách “Những khu vườn đẹp nhất ASEAN” nhằm giới thiệu những công viên, vườn bách thảo tiêu biểu nhất của ASEAN đến bạn bè quốc tế. Mỗi nước ASEAN có 2 khu vườn được góp mặt trong cuốn sách này, trong đó đại diện của Việt Nam là Thảo Cầm Viên (TP. Hồ Chí Minh) và công viên hoa Đà Lạt (Lâm Đồng).
Thảo Cầm Viên (2B Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) được xây dựng vào tháng 3/1864 trên một khu đất rộng 12ha nằm cạnh sông Rạch Lăng (phía đông bắc Sài Gòn) do một chuyên viên khảo cứu thực vật nhiệt đới người Pháp là ông J.B.Louis Pierre phụ trách. Công trình hoàn thành vào năm 1865, trong đó trồng nhiều loại cây quí ở trong nước và trên thế giới, được nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia như xà cừ, đa, đại bác, giáng hương, cẩm lai, lộc vừng, me, khế… Nhiều loại động vật lạ và quý hiếm cũng được đưa về nuôi ở đây. Năm 1990, Thảo Cầm Viên trở thành thành viên chính thức của hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á. Sau hơn 130 năm xây dựng, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn của cả nước với 590 đầu thú thuộc 125 loài; thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài; 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và nhiều thảm cỏ xanh. Mỗi ngày, Thảo Cầm Viên đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan.
Công viên hoa Đà Lạt (số 2 Phù Đổng Thiên Vương, TP. Đà Lạt) đã từng được nhắc đến với tên gọi vườn hoa Bích Câu, có tổng diện tích khoảng 7.000m². Cổng công viên gồm 3 vòm hoa bố trí theo hình vòng cung, được ghép lại từ hàng trăm chậu hoa nhỏ, bên trong là những bồn hoa xuyên suốt cả lối đi cùng hệ thống vòi phun nước tạo cảm giác thư thái, lãng mạn và vô cùng cuốn hút. Công viên hiện đang là nơi trưng bày “bộ sưu tập” về hoa lớn nhất và đầy đủ nhất của Việt Nam với hàng trăm loài hoa khác nhau. Ngoài các loài hoa truyền thống như cẩm tú cầu, hồng, hồng ri, xác pháo, mimosa, tại đây còn có hàng chục loài hoa mới được du nhập từ 10 năm trở lại đây như các loại cúc, hồng, đồng tiền, đỗ quyên, trà mi… Trong công viên còn có một khu vườn địa lan, phong lan lớn, thuộc loại đẹp nhất của Đà Lạt và vườn hoa xương rồng khổng lồ đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mua bán trao đổi của du khách. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, công viên hoa Đà Lạt là nơi diễn ra Hội hoa Xuân quy tụ những nghệ nhân chơi hoa của các tỉnh về thi tài. Hoa ở Đà Lạt nở quanh năm, trong đó mùa đông là mùa thành phố này có nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc nhất.
Bên cạnh Thảo Cầm Viên và công viên hoa Đà Lạt của Việt Nam, cuốn sách này còn có sự xuất hiện của những khu vườn khác ở ASEAN như công viên giải trí Kampong Parit, vườn khách sạn Empire Hotel and Country Club (Bru-nây); vườn Cung điện hoàng gia và chùa Bạc, công viên Wat Phnom (Căm-pu-chia); vườn bách thảo Bogor, vườn hoa Taman Bunga Nusantara (In-đô-nê-xi-a); vườn trong khu nghỉ dưỡng Villa Santi Resort and Spa, công viên Riverview (Lào); công viên trung tâm Kuala Lumpur, khu vườn trên mái trung tâm thương mại 1 Utama (Ma-lay-xi-a); vườn bách thảo quốc gia Kandawgyi, hồ Kandawgyi (My-an-ma); công viên Eden Nature, công viên Sonya (Phi-lip-pin); khu vườn Gardens by the Bay, vườn bách thảo Singapore (Xinh-ga-po) và vườn bách thảo Hoàng hậu Sirikit, vườn nhiệt đới Nong Nooch (Thái Lan). Đây chính là những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với các nước ASEAN.
Phạm Phương – Thu Giang