Bằng nhiều sản phẩm du lịch giàu bản sắc truyền thống văn hóa, làng Chăm Châu Phong, huyện Tân Châu (tỉnh An Giang) đã và đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Chính việc làm du lịch gắn liền yếu tố văn hóa truyền thống đã tạo nên sức hút riêng với nhiều tour, tuyến được lữ hành An Giang liên kết với các công ty tại TP.HCM, khu vực miền Trung và phía Bắc đưa vào khai thác có hiệu quả, tạo nên dấu ấn như: tham quan làng nghề dệt thổ cẩm, ngắm nhìn thánh đường Hồi giáo với lối kiến trúc Đông-Tây, xem biển diễn nhạc, múa truyền thống của người dân, homestay trải nghiệm cuộc sống của đồng bào, thưởng thức và học cách chế biến các món đặc sản: cà ri bò, khù rềng bò, mít xim, bánh ka ram, ty âm...
Theo những hộ tại đây chia sẻ, sở dĩ mô hình du lịch trên được khai thác tốt, tạo được thương hiệu là do người dân đồng lòng vì họ được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ chương trình.
Hiện để đa dạng hóa các sản phẩm, đặc biệt là phát triển theo chiều sâu, Tổ hợp tác du lịch làng Chăm Châu Phong vừa được hình thành. Anh Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng bộ phận marketing của dự án cho biết nếu lúc trước du khách đến làng chỉ hiểu biết sơ nét về cuộc sống của người dân thì thời gian tới khi nhiều tour mới được xây dựng bài bản chắc chắn sẽ làm họ thỏa lòng.
Tổ hợp tác ra đời trở thành cầu nối liên kết những hộ gia đình lại, khôi phục nhiều làng nghề như dệt, thêu may của người Chăm; nghề làm bánh dân gian, tập luyện các bài hát, vũ điệu Chăm cho các đội văn nghệ, cũng như dành hẳn một không gian sân khấu để họ biểu diễn... đủ cho thấy sự thay đổi tích cực về nhận thức và quyết tâm đẩy mạnh mô hình du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa truyền thống này của bà con trong vùng.
Với hàng chục lượt khách trong và ngoài nước về tham quan mỗi ngày, làng Chăm Châu Phong đang khoác lên mình diện mạo mới, trở thành điểm đến lý tưởng của An Giang mỗi khi khách có dịp dừng chân.
Thánh đường Hồi giáo - một công trình kiến trúc thu hút du khách tại làng