Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 10,32km2, dân số gần 22.000 người - là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 14 huyện đảo của nước ta.
Nằm cách TP Quảng Ngãi khoảng 18 hải lý, ở quãng giữa đường biển từ Móng Cái đến Cà Mau, huyện đảo Lý Sơn giữ một vị trí chiến lược trọng yếu trên vùng biển Đông, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng về du lịch; phát triển kinh tế và chứa đựng nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa, Lý Sơn mặc nhiên có sự độc đáo và hấp dẫn rất riêng của hòn đảo được mệnh danh là đảo Tiên.
Đa dạng kinh tế
Trước nay, nói đến Lý Sơn, người ta thường nhắc ngay đặc sản tỏi và loại tỏi danh tiếng - tỏi 1 tép, còn gọi tỏi “mồ côi”. Nhưng để phân biệt chính xác tỏi 1 tép không dễ. Du khách cứ hay bị “bé cái lầm” vì tưởng đã mua được tỏi 1 tép, giá gấp hơn chục lần tỏi thường. Nhưng không sao, đã ra Lý Sơn, mua được tỏi hương Lý Sơn đã đủ mãn nguyện rồi.
Dịp này, chúng tôi không được thưởng thức gỏi tỏi, bởi phải vào đúng thời điểm cuối tháng chạp và tháng giêng âm lịch - mùa thu hoạch tỏi mới có món “nhất khẩu” này, được làm từ cây tỏi đực - không tạo củ, thân khỏe, lá to… Huyện đảo có trên 300ha trồng tỏi, mỗi năm giá trị kinh tế từ cây tỏi mang về cho người trồng khoảng vài trăm triệu đồng/ha.
Đất hẹp, người đông - diện tích canh tác hạn chế nhưng nếu một gia đình có khoảng vài sào tỏi thì cuộc sống có thể coi là khá ổn. Từ xưa, ở Lý Sơn đã có câu ca tôn vinh cây tỏi: “Làm vua thua trồng tỏi”. Bên cạnh cây tỏi, sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn còn có hành, bắp, rau, đậu… tạo nên những mảng xanh mát dịu trên cát trắng, trải xa ngút mắt ven con đường xuyên đảo thật bình lặng, nên thơ. Tuy giá trị sản xuất chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 1/20 trong tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế toàn huyện nhưng chính “tỏi, hành” là “thương hiệu số một” của Lý Sơn.
Hải sản của Lý Sơn cũng có nhiều loài độc đáo, ngon quý, giá trị kinh tế cao, khai thác được ở cả vùng nước cạn lẫn ở vùng biển lộng, biển khơi. Chỉ riêng về ốc là món ăn dân dã nhất, mấy ngày làm khách ở Lý Sơn bữa nào chúng tôi cũng được thưởng thức. Chủ nhà thường đãi món khai vị là một đĩa ốc thập cẩm.
Khách mới đến chẳng thể phân biệt được đâu là ốc cừ, ốc bàn tay, ốc tai tượng, ốc hoa, ốc đầu trâu, ốc u…Thôi thì cứ thưởng thức lần lượt dựa vào màu sắc, hình thù bày ra trên đĩa. Mỗi lát ốc gắp kèm gỏi rong biển giòn tan trong miệng - ôi chao, ngon. Giá trị sản xuất ngư nghiệp đạt trên 260 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 40% tổng giá trị kinh tế của Lý Sơn.
Những năm qua, đội tàu đánh bắt hải sản của huyện đảo tăng liên tục cả về số lượng và công suất. Hiện có 426 tàu thuyền với công suất 47.000 CV. Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện đảo vươn ra tận Hoàng Sa, Trường Sa, không những vượt qua sóng to gió lớn mà còn kiên cường đương đầu với với sự hăm dọa, bắt bớ của tàu “lạ”.
Lý Sơn có lợi thế về vị trí địa lý nối với nhiều khu vực phát triển kinh tế năng động trong vùng như Dung Quất, Chu Lai, Vạn Tường, Sa Kỳ, Cổ Lũy và TP Quảng Ngãi nên định hướng phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch và thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tới 320 tỷ đồng, chiếm tới gần 50% tổng giá trị các ngành kinh tế hàng năm. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: “Đa dạng kinh tế với những tiềm năng và lợi thế riêng có ở đảo, Lý Sơn đang tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển”.
Du lịch lý tưởng
Đứng trên đỉnh núi Thới Lới, một trong 5 ngọn núi ở Lý Sơn nhìn xuống, toàn cảnh huyện đảo hiện ra như một bức tranh đầy màu sắc của biển xanh thẫm mênh mông, của những vách đá xám nâu trầm mặc, của những cánh rừng xanh non mới trồng đan xen đại ngàn nguyên sinh và nhiều sắc xanh tươi của hành, tỏi, đậu, bắp trên bình nguyên rộng lớn.
Ngay dưới chân Trạm radar 550 là một hồ chứa nước ngọt bình lặng, có đập chắn bằng bê tông dài hàng trăm mét, là một trong những nguồn cung cấp nước quan trọng cho đảo. Lòng hồ chính là vết tích của một trong 5 miệng núi lửa đã tắt, nét độc đáo độc nhất ở Lý Sơn…
Lý Sơn có hệ sinh thái biển đảo, nhiệt đới đa dạng; cộng đồng cư dân đông đúc, quần tụ và tổ chức thành thôn, vạn vừa theo văn hóa làng xã, lại có bản sắc riêng của hải đảo. Huyện đảo còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa Việt có giá trị, gắn liền với quá trình dựng và giữ đảo; khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.
Dưới biển có rặng san hô nhiều màu sắc, quý nhất là san hô đen dùng làm thuốc, có giá trị kinh tế cao. Biển có nhiều hải sản quý đủ chủng loại đa dạng, tạo ra những đặc sản nổi tiếng của Lý Sơn. Bờ biển dài với nhiều bãi cát trắng mịn, liền kề các thắng cảnh thiên nhiên, tạo thành những bãi tắm tuyệt đep.
Lý Sơn có số lượng di tích lịch sử - văn hóa lớn, dày đặc, hầu như còn nguyên bản, bố trí rộng khắp, bao gồm đình, chùa, nhà thờ, dinh, miếu, lăng cổ kính…bên các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát với phong cách kiến trúc đặc sắc, nghệ thuật chạm khắc tinh vi. Nhiều di tích được công nhận cấp quốc gia như thắng cảnh chùa Hang, đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, Âm Linh tự và cấp tỉnh như dinh Tam Tòa, đền thờ cá Ông Lân Chánh, đền thờ Thiên Y A Na, lăng cá Ông Đông Hải, mộ và đền thờ Võ Văn Khiết...
Tất cả tạo nên sự khác biệt, độc đáo, hấp dẫn của bức tranh du lịch biển đảo với đầy ắp tài nguyên du lịch nhân văn, du lịch tự nhiên. Lý Sơn đang sở hữu và khai thác nhiều sản phẩm du lịch từ sinh thái biển đảo tới du lịch tâm linh và tìm hiểu văn hóa, cả du lịch cộng đồng và tham quan nghiên cứu.
Năm 2013 có thể coi là năm bùng nổ của du lịch Lý Sơn với lượng du khách tới đảo gần 29.000 lượt người, trong đó có nhiều khách du lịch quốc tế, tăng gần gấp 3 lần năm 2012. Hàng năm, trên huyện đảo diễn ra sự kiện lớn là Tuần lễ văn hóa biển đảo và đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (được trao bằng công nhận là di sản phi vật thể quốc gia).
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa chỉ có duy nhất ở Lý Sơn bởi nơi đây được các triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa với 70 suất lính thú hàng năm là dân đảo đi canh giữ, khai thác sản vật ở Hoàng Sa. Lễ là sự tri ân đối với các thế hệ người Việt Nam đã xác lập và khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, là niềm tự hào của người Lý Sơn hôm nay.
Du khách đến nhà trưng bày đội Hoàng Sa - Bắc Hải sẽ càng hiểu rõ điều hiển nhiên “Hoàng Sa là của Việt Nam” qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật phong phú, quan trọng được trưng bày nơi đây. Ông Nguyễn Văn Sinh - chủ nhà nghỉ Thủy Thạch đang cùng thợ thi công, xây dựng thêm 10 phòng để đón khách lưu trú - chỉ tay ra phía đường kè biển và bến tàu trước mặt, hào hứng nói: “Tính trước là vừa.
Cuối năm nay có điện lưới, đường quanh đảo cũng hoàn thành, thế nào lượng khách ra đảo sẽ càng đông. Giờ phải xây thêm phòng để đón khách”. Phát triển du lịch mạnh mẽ, năng động và bền vững - là điều mà huyện đảo đang hướng tới. Lý Sơn độc đáo, hấp dẫn luôn mời gọi.../.