Từ Doha (Qatar), ông Nguyễn Viết Cường, Cục Di sản, cho biết Tràng An đã trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của VN, ở cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.
Quần thể danh thắng Tràng An - Ảnh: Ngọc Hải
Được chọn làm đề tài “nóng” của Hội nghị thông báo khảo cổ học 2012, những cuộc trao đổi quanh quần thể Tràng An đã vô cùng sôi nổi, đầy ắp tư liệu và phỏng đoán. Những ý kiến liên tiếp cũng vẽ dần ra cuộc sống sôi động ở Tràng An cách đây hàng ngàn năm.
“Ở Tràng An, chúng tôi tìm thấy rất nhiều ốc tiền - những con ốc này có mặt trong mài nhẵn, đục lỗ xâu lại. Những con ốc như thế này cũng tìm thấy khi khai quật di tích ở sâu nội địa như Lai Châu, Sơn La, tây Thanh Hóa. Các di tích tìm thấy ốc tiền như vậy thường có niên đại 7.000 - 8.000 năm. Tiền ốc vừa có thể là đồ trang sức vừa có thể là tiền trao đổi thật”, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học, nói.
Cùng với ốc tiền, ông Sử cũng tìm thấy nhiều loại ốc khác được dùng làm thức ăn, vỏ trai dùng làm công cụ lao động. Gốm của thời Đá mới với văn thừng cũng được tìm thấy. Có cả những loại công cụ bằng đá rất cứng. “Nó cứng đến mức đạt độ cứng là 7 so với độ cứng của kim cương là 10”, ông Sử nói về công cụ đá tại Tràng An.
TS Nguyễn Việt lại cho rằng Tràng An thời đồ đá là một mảnh đất nghèo do nó chính là nơi văn hóa Hòa Bình được mở rộng. Theo ông, chỉ khi khai thác hết mảnh đất màu mỡ, người ta mới phải đến nơi mới kém thuận lợi hơn. “Khi khai thác hết thung lũng với tỷ lệ núi đất - núi đá tương ứng với nguồn cung tốt, người ta mới lên núi đá. Tràng An là vậy”, ông Việt phân tích. Cũng theo ông Việt, lượng vỏ ốc tìm thấy tại Tràng An ít hơn nhiều, chứng tỏ đây chỉ là trại của con người trong quá trình di chuyển.
Dường như nhờ sự “nghèo” đó mà thiên nhiên tại Tràng An đã được bảo tồn nguyên vẹn. Nó đảm bảo được một tiêu chí rất quan trọng để trở thành di sản thế giới. Đó là danh thắng phải được bảo đảm tính toàn vẹn và tính xác thực.
Từ Doha (Qatar), thạc sĩ Nguyễn Viết Cường, Cục Di sản, cho biết giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An được công nhận dựa trên 3 trụ cột chính quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong đó, Tràng An đạt được các tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ, địa chất - địa mạo.
Về văn hóa, Tràng An chứa đựng các bằng chứng về sự tương tác giữa con người và môi trường. Nó thể hiện sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và sự khắc nghiệt nhất của môi trường trong lịch sử trái đất, đặc biệt là những biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng.
Về vẻ đẹp thẩm mỹ, cảnh quan tháp karst của Tràng An chứa đựng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, điểm xuyết với những đền, chùa, miếu linh thiêng.
Về địa chất - địa mạo, Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm.
Những điều đó cho thấy “chiến thuật” vận động danh hiệu, làm hồ sơ cho Tràng An đã được thực hiện rất thông minh. Nguồn tin cho biết, từng có tranh luận về việc chọn tiêu chí nào cho hồ sơ. Nên tôn vinh Tràng An từ góc độ thiên nhiên hay đời sống văn hóa xã hội? Cuối cùng, giải pháp là kết hợp tất cả những ưu việt đó. Bản thân nhóm chuyên gia của Viện Khảo cổ học cũng đã luôn cố gắng bám các tiêu chí này khi nghiên cứu để cung cấp luận cứ, thực hiện hồ sơ.
Chiều 23.6, tại Doha (Qatar) với 100% số phiếu tán thành, 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình, VN) là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới.
Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề nhau gồm di tích cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Quần thể danh thắng Tràng An đã nâng tổng số các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của VN lên 8 khu di sản. Đặc biệt, đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của VN được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.