Sau vinh danh là trách nhiệm

Cập nhật: 01/07/2014
Việc công nhận theo những tiêu chí thể hiện giá trị toàn cầu của các di sản, đã góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và những giá trị văn hóa, du lịch Việt Nam ra thế giới trong những năm qua, đồng thời đóng góp không nhỏ cho sự phát triển du lịch ở các địa phương, nhất là những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn.


Thực tế cho thấy, cùng với việc thu hút đầu tư vào du lịch, lượng du khách trong nước và quốc tế đến các khu di sản thế giới ở nước ta cũng ngày một tăng. Không kể Vịnh Hạ Long, quần thể di tích cố đô Huế, hay khu phố cổ Hội An hằng năm đón hàng triệu lượt du khách. Mới đây nhất là Thành Nhà Hồ, từ chỗ chỉ đón vài nghìn lượt khách, đã tăng lên hơn 60 nghìn lượt khách mỗi năm sau khi được công nhận, nguồn thu từ vé đã đạt gần 500 triệu đồng. Sự tăng trưởng này đã thúc đẩy dịch vụ và các ngành liên quan phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư ở địa phương.

Công tác quản lý di sản thế giới cũng có những chuyển biến quan trọng. Hàng loạt văn bản pháp lý về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích nói chung và di sản thế giới nói riêng được ban hành. Các quy hoạch tổng thể cũng được triển khai xây dựng, giúp khoanh vùng bảo vệ, tu bổ, chống xuống cấp cho các di sản, phục hồi cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn giá trị lâu dài của các di sản. Hợp tác quốc tế được tăng cường cùng trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý và làm công tác khoa học liên quan đến các di sản được nâng cao. Cộng đồng xã hội đã có nhận thức tích cực, khơi dậy trách nhiệm để cùng nhau chung tay bảo vệ và phát huy các giá trị di sản.

Bên cạnh những việc đã làm được, các quy định và quy chế quản lý, bảo tồn, khai thác các di sản thế giới ở nước ta còn nhiều điểm bất cập, không đầy đủ. Những vấn đề yếu kém phát sinh từ thực tiễn quản lý còn chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp Công ước Di sản thế giới. Việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị ở một số di sản như Phong Nha - Kẻ Bàng, Thành Nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long... không đồng bộ do chưa có quy hoạch tổng thể, hoặc có nhưng triển khai chậm. Bộ máy quản lý ở nhiều nơi chưa tương xứng tầm vóc thế giới, còn chồng lấn, không rõ ràng trong phân công, phân cấp. Việc giao trách nhiệm và phối hợp thiếu chặt chẽ với các ngành hữu quan, dẫn đến trở ngại trong quá trình vận hành, xử lý công việc. Chính sách huy động các nguồn lực cộng đồng cùng các thành phần kinh tế, tổ chức và cá nhân vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản chưa thật sự tạo được động lực, khuyến khích sự tham gia và đầu tư. Cơ sở hạ tầng không theo kịp sự tăng trưởng "nóng" của ngành du lịch trong khi thiếu những chế tài pháp lý đủ mạnh để quản lý khiến các di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là vào các mùa du lịch, lễ hội lớn. Việc quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng khu di sản, thể hiện và phát huy được nét đặc thù của địa phương chưa mang lại hiệu quả cao.

Từ thực trạng nêu trên, đòi hỏi công tác quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở nước ta phải có những đổi mới, đề cao tinh thần trách nhiệm và tính hiệu quả, khoa học. Các cơ quan quản lý cần tích cực hợp tác với các chuyên gia thế giới làm tốt công tác giám sát di sản; xử lý kiên quyết và triệt để những tác động tiêu cực, bảo đảm sự bền vững và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo các cam kết của chúng ta với UNESCO. Trong đó, có những vấn đề như: bảo vệ môi trường trong các khu di sản, giảm thiểu ảnh hưởng của các dự án xây dựng, làm đường giao thông, công trình lấn biển... Ðể thực hiện những điều này, trước mắt, ngành văn hóa, thể thao và du lịch nên phối hợp các địa phương nâng cao khả năng và năng lực của các ban quản lý di sản thế giới ở mức tương xứng với mức độ cao hơn về quyền tự chủ cũng như thẩm quyền quyết định trong điều hành, quản lý; tăng cường mức đóng góp doanh thu du lịch cho công tác bảo tồn, phục hồi các di sản. Về lâu dài, công tác quản lý di sản phải bảo đảm giảm được áp lực quá tải của lượng du khách phù hợp với các yêu cầu bảo tồn của di sản. Quá trình quản lý và quy hoạch bảo tồn phải điều hòa được áp lực và tác động từ các khu dân cư nằm trong phạm vi không gian của một số di sản thế giới.

Một trong những công việc cụ thể trước mắt trong quản lý di sản thế giới ở nước ta là rà soát, bổ sung những văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản phù hợp tình hình thực tế; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách; kiện toàn và sắp xếp lại bộ máy quản lý; ban hành ngay quy chế hoạt động của các cơ quan quản lý di sản thế giới. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý di sản ở các địa phương và trung ương cần phối hợp hoạt động, phát huy vai trò của Câu lạc bộ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế về di sản.

Nguồn: nhandan.com.vn