Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan sông nước hữu tình, những vườn cây ăn trái sum suê, những làng nghề thủ công truyền thống đã tạo nên sức hút với du khách trong và ngoài nước.
Đến Bến Tre, đâu đâu du khách cũng bắt gặp hình ảnh cây dừa. Dừa đã gắn chặt với người dân Bến Tre bao đời nay, từ trong chiến tranh, lao động và sản xuất, để rồi từ cây dừa người dân Bến Tre đã tạo ra những giá trị không chỉ về mặt kinh tế mà kể cả về mặt văn hóa. Dừa được sử dụng trong ẩm thực, trong xây dựng nhà ở, trong thơ ca và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, là những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa mỗi khi du khách gần xa ghé thăm Bến Tre.
Bến Tre có diện tích trồng dừa gần 60.000ha, hàng năm cho sản lượng trên 500 triệu trái, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Khai thác tiềm năng thế mạnh từ cây dừa, người dân địa phương đã cho ra đời nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của tỉnh. Dừa không chỉ cho ta vị ngọt mát của nước uống tinh khiết, thơm ngon, mà còn được chế tạo thành những món đồ thủ công mỹ nghệ thật đẹp mắt và tinh xảo. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu của cây dừa như: gỗ dừa, gáo dừa, chà, lá, xơ, vỏ... đã trở thành những sản phẩm có giá trị trên thị trường trong và ngoài nước. Nghề thủ công mỹ nghệ dừa tuy chỉ mới phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng đã trở thành một nghề góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động địa phương, tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm giàu cho quê hương.
Bến Tre hiện có đến hàng chục cơ sở làm thủ công mỹ nghệ dừa có quy mô lớn như: Cơ sở mỹ nghệ Kim Tứ, cơ sở mỹ nghệ Hưng Tiến, cơ sở mỹ nghệ dừa Ngọc Tuấn, cơ sở Phúc Sang (Châu Thành), cơ sở thủ công mỹ nghệ Trường Ngân, cơ sở Yên Thạnh (thành phố Bến Tre), cơ sở mỹ nghệ Thanh Liêm (Mỏ Cày Nam), cơ sở Thanh Nhàn (Giồng Trôm)… Mỗi cơ sở trên lại có đến hơn chục vệ tinh khác đang hoạt động rải rác đều khắp các huyện. Sản phẩm của các cơ sở này tạo ra sẽ được cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước theo đơn đặt hàng, hàng năm xuất khẩu đi một số nước như: Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Thụy Sĩ,… Ngoài ra, trong các cuộc hội chợ xúc tiến thương mại - du lịch trong tỉnh, khu vực và nước ngoài thì các sản phẩm mỹ nghệ cũng được giới thiệu đến du khách, với mục đích đưa sản phẩm mỹ nghệ vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế, khẳng định thương hiệu, mở rộng mạng lưới phân phối.
Trước đây, ở Bến Tre nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu dừa chưa thành một nghề chính thức, còn phát triển tự phát, chỉ có một số hộ dân tự làm mỹ nghệ dừa để trang trí trong nhà hoặc để biếu tặng người thân, bạn bè. Sau này, khi kinh tế - xã hội Bến Tre ngày càng phát triển, đặc biệt là du lịch Bến Tre ngày càng có nhiều du khách quốc tế biết đến thì nghề sản xuất truyền thống liên quan đến mỹ nghệ dừa cũng phát triển ngày càng mạnh, rộng khắp và trở thành một ngành kinh tế chính, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho người dân. Những người dân xứ dừa với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa cộng với óc thẩm mỹ đã tạo dựng nên một ngành nghề mới, biến những thứ có giá trị thấp của cây dừa thành những sản phẩm mỹ nghệ dừa có “hồn”, có giá trị mỹ thuật cao, đặc sắc, với hàng trăm mẫu mã phong phú, độc đáo. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ dừa cũng trở thành điểm thu hút khách du lịch tham quan, tìm hiểu, góp phần tạo nên một điểm nhấn trong các chương trình tour du lịch sông nước miệt vườn đang được khai thác tại Bến Tre.
Hiện nay, các sản phẩm mỹ nghệ dừa đã được các nghệ nhân sáng tạo nên gần 500 sản phẩm đa dạng, như túi xách, ví, đũa, muỗng, mặt nạ, đèn ngủ, búp bê, vỏ đồng hồ, và các con vật trong đời sống hàng ngày,… Cọng dừa ngoài được dùng để bó chổi, qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công còn được đan thành những sản phẩm mỹ nghệ lẵng hoa, giỏ đựng quà,... Chà dừa có thể biến thành những chiếc lồng đèn với kiểu dáng đa dạng.
Người dân Bến Tre ngày càng thêm yêu quý cây dừa qua những khám phá mới lạ về lợi ích và công dụng cũng như các sản phẩm mỹ nghệ tạo ra từ cây dừa trong đời sống. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế như hiện nay, để phát triển bền vững, lâu dài, các nghệ nhân xứ dừa hiện đang miệt mài tìm tòi, cải tiến, sáng tạo các mẫu mã, kiểu dáng, tìm cách kết hợp nguyên liệu từ dừa với các nguyên liệu khác như mây, tre, lá để nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm mỹ nghệ dừa, cũng như đầu tư nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm với chiến lược phát triển lâu dài. Trong các chương trình tour du lịch tham quan sông nước Bến Tre, du khách đến tham quan các cơ sở chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa, tận mắt chứng kiến các công đoạn để tạo nên một sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo và có giá trị mỹ thuật cao. Ở các điểm du lịch đều có các quầy bán hàng lưu niệm trưng bày và giới thiệu đến du khách hàng trăm loại sản phẩm mỹ nghệ khác nhau.
Cây dừa đã sống, phát triển rất lâu trên mảnh đất ba dãy cù lao và gắn bó mật thiết với biết bao thế hệ người Bến Tre nơi. Và nhiều câu chuyện, những tác phẩm văn học, nhiều bài thơ đã được viết gắn liền người dân Bến Tre với hình ảnh cây dừa, “thấy dừa lại nhớ Bến Tre”. Hình ảnh cây dừa đã để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm thân thương đối với các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Xuất phát từ cảm xúc dạt dào của hình ảnh cây dừa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác nên bài hát “Dáng đứng Bến Tre” nổi tiếng: “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió…”
Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa đã góp phần nâng cao giá trị toàn diện của cây dừa Bến Tre, làm phong phú và tô đẹp thêm nét đặc trưng văn hóa dừa trên đất Bến Tre. Hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa đã góp phần giới thiệu hình ảnh xứ dừa Bến Tre đến với bè bạn gần xa trong và ngoài nước, không chỉ làm đẹp cho quê hương xứ dừa, mà cho cả đất nước Việt Nam và có mặt nhiều nơi trên thế giới. Mong ngành nghề thủ công mỹ nghệ dừa sẽ ngày càng phát triển hơn nữa cũng như tạo ra thêm nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo để ngày càng vươn xa khắp năm châu./.