Quảng Nam tạo môi trường du lịch hấp dẫn hơn để hút du khách

Cập nhật: 10/07/2014
Nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao sản phẩm dịch vụ, quảng bá và kích cầu du lịch nhằm thu hút hơn nữa du khách đến với Quảng Nam, ngày 9/7, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Diễn đàn “Thu hút khách du lịch đến Quảng Nam” với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà quản lý và các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế.
 
Du khách tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

 
Các ý kiến tại diễn đàn cho rằng, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng lao động, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, tăng cường đầu tư sản phẩm du lịch, tạo dựng được thương hiệu du lịch Quảng Nam góp phần thu hút khách du lịch đến với tỉnh.

Điểm mạnh của du lịch Quảng Nam là có những điểm đến du lịch lâu đời, được quốc tế công nhận; có nhiều miền quê, cảnh quan rừng núi, hồ nước hấp dẫn và đang được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ phát triển du lịch hiệu quả.

Trong sáu tháng đầu năm 2014, Quảng Nam đón hơn 1,7 triệu lượt khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn Hội An là điểm du lịch yêu thích thứ hai ở châu Á; Tạp chí Huffington Post của Mỹ cũng giới thiệu Hội An là một trong 7 điểm đến đặc sắc và thu hút khách du lịch nhất khi tới Việt Nam; Tổ chức Định cư con người Liên hợp quốc tại châu Á bình chọn Hội An là thành phố cảnh quan châu Á.

Tuy nhiên, trước tác động của tình hình Biển Đông do Trung Quốc gây ra, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng đang chịu tác động tiêu cực.

Trong tháng 5 và tháng 6/2014, khách du lịch đến Quảng Nam giảm, cụ thể trong tháng Năm khách quốc tế giảm 7,3%, tháng Sáu khách du lịch lưu trú giảm 4,4%, chủ yếu là khách Trung Quốc.

Ngành du lịch Quảng Nam hiện cũng đang đối mặt với một số thách thức như vấn đề xói mòn ven biển và kiểm soát phát triển ven biển; phân bố du lịch ngoài Hội An còn hạn chế; thời gian lưu trú của du khách tại điểm du lịch Mỹ Sơn còn ngắn; việc xác định giá vé chuẩn và xử lý nước thải ở Hội An; vấn đề đào tạo ngoài khách sạn đối với các ngành nghề trong chuỗi giá trị du lịch như lái xe, cán bộ sân bay, quản lý bãi biển; vấn đề gắn kết giữa tổ chức lễ hội, sự kiện với việc bán phòng cho du lịch…

Nhiều ý kiến tại diễn đàn đã đề xuất, Quảng Nam có thể nghiên cứu thực hiện chương trình tạp kỹ “Nụ cười Angkor” của Campuchia tại Hội An và Mỹ Sơn, với nội dung giới thiệu lịch sử và văn hóa của một vùng đất kết hợp với ẩm thực miễn phí.

Cần quy hoạch không gian, bố trí điểm đậu đỗ xe để giảm áp lực lên phố cổ Hội An. Thành phố Hội An có thể cho phép xe điện chạy ở các vùng ven để vừa đảm bảo loại hình du lịch xanh, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm “Phố đêm” tại thành phố du lịch này.

Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, thời gian lưu trú của du khách tại Hội An trung bình là 4 ngày, để tăng thời gian lưu trú của du khách thành phố này cần có điểm mua sắm phù hợp với nhu cầu đời sống hiện đại như xây dựng các siêu thị…

Tỉnh cũng cần chú trong phát triển loại hình du lịch MICE (kết hợp hội họp, hội thảo, triển lãm); xây dựng trang web du lịch chuyên nghiệp, kết nối với các cơ chế đặt chỗ vì phần lớn du khách đến với Quảng Nam qua nguồn thông tin trên mạng.

Ngoài ra, tỉnh cần thúc đẩy các dự án phát triển du lịch chung với các tỉnh lân cận như liên kết đường sông Hội An-Đà Nẵng; tuyến di sản vòng Hội An-Mỹ Sơn-đường mòn Hồ Chí Minh-Huế-Đà Nẵng; du lịch nông thôn và chiến lược marketing sân bay.

Bên cạnh đó, Quảng Nam nên tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá, thu hút du khách từ các thị trường tiềm năng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và thị trường khách nội địa…/.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+