Dọc theo ven biển từ Đà Nẵng vào đến Hội An, Quảng Nam một thời được xem là làng resort 5 sao với hàng trăm khu nghĩ dưỡng, căn hộ cao cấp mọc lên như nấm. Nhưng đến nay, rất ít dự án hoàn thành đưa vào khai thác, số còn lại xây tường rào bỏ hoang đã nhiều năm nay...
Ngày khởi công cách đây 10 năm, chủ đầu tư là Công ty Hải Duy (TP.HCM) đã từng tuyên bố trong thời gian ngắn sẽ biến nơi đây thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế với nguồn vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Bên con đường tỷ đô là những dự án đầu tư hàng trăm triệu đô nằm bất động từ nhiều năm nay.
Hơn 10 năm nay, dự án không được triển khai, nên UBND TP.Đà Nẵng đã 2 lần "dọa" thu hồi dự án. Nhưng rồi, đâu vẫn vào đấy và đến nay thiên đường nghỉ dưỡng Bãi Bụt vẫn hoang sơ, trơ mình dưới nắng nơi chân núi Sơn Trà và trở thành "phế tích 5 sao" nhìn đến nhức mắt.
Hàng loạt dự án đầu tư du lịch 5 sao khác nơi làng resort 5 sao ở Đà Nẵng giờ đây trở thành "phế tích" như khu nghỉ dưỡng Mercure Sontra Resort (của Công ty CP dịch vụ tổng hợp Sài Gòn) cũng bất động nhiều năm.
Những dự án hàng chục triệu đô trên con đường tỷ đô bỏ hoang từ nhiều năm
Tháng 7/2010, UBND TP.Đà Nẵng "ra tối hậu thư" buộc chủ đầu tư phải khởi động dự án, nếu không sẽ bị thu hồi. Nhận tối hậu thư, sau 1 tháng, lập tức chủ dự án tổ chức khởi công hoành tráng.
Nhưng sau khi lễ khởi công vào thánh 8/2010, đến nay, dự án vẫn bỏ hoang với hàng rào bao bọc phía trong cỏ mọc um tùm.
Những "phế tích" hàng trăm triệu đô bỏ hoang hóa nhiều năm nay trên đất vàng ven biển.
Ngay dự án của Bầu Đức cũng bị chính quyền TP. Đà Nẵng ra "tối hậu thư" nếu đến hết quý 1-2014 không triển khai cũng bị thu hồi. Đó là dự án 5 sao Anvie Resort & Residences (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) và resort 5 sao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.
Chỉ tính riêng làng resort ven biển thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã có 12 dự án chậm triển khai hoặc thi công dang dở rồi bỏ hoang trên đoạn bờ biển dọc đường Trường Sa mà người dân nơi đây bảo đó là những "phế tích 5 sao" nơi bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Dọa thu hồi, ai sợ?
Với chức trách là tổ trưởng tổ khai thác quỹ đất, rà soát các dự án, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết qua kiểm tra 98 dự án ở 3 quận, huyện là Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang đã có 15 dự án sẽ đề nghị thu hồi, 83 dự án "trùm mền" nhiều năm nay. Trong đó có rất nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển.
Trong cuộc họp với cơ quan chức năng mới đây, ông Khương chính thức xác nhận: Hiện khu vực ven biển còn rất nhiều dự án đầu tư lớn đang "treo" từ năm 2006 đến nay. Theo ông Khương, nhiều dự án "treo" tại khu vực ven biển là dự án đầu cơ của các nhà đầu tư.
Những bộ khung nhà bê tông trơ xương cùng mưa nắng tại các dự án triệu đô.
"Nếu các dự án này không kiên quyết xử lý thu hồi thì rất khó khăn cho quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế biển của TP. Đà Nẵng, gây khó khăn cho phát triển kinh tế du lịch", Giám đốc Sở Tài Nguyên môi trường Đà Nẵng Nguyễn Điều khẳng định.
Còn ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho rằng: "Để có đất sạch cho các dự án đầu tư này, UBND TP. Đà Nẵng đã phải đầu tư rất lớn cho đền bù giải tỏa, tái định cư cũng như cơ sở hạ tầng. Vì vậy, không thể để các dự án này kéo dài nhiều năm không đầu tư xây dựng gây thiệt hại lớn. Vì vậy phải cương quyết thu hồi những dự án chậm và không triển khai".
Tại nhiều cuộc họp của UBND TP. Đà Nẵng về dự án đầu tư chậm triển khai, điệp khúc "Kiên quyết thu hồi" được nhắc đến nhiều lần và thời hạn chót cũng được ấn định. Thế nhưng, những "tối hậu thư" kiên quyết thu hồi cũng chẳng làm các nhà đầu tư lo lắng.
Trao đổi mới đây, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng, các dự án ven biển chậm triển khai là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Đây là điều các nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương không mong muốn. Nếu bây giờ thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai cũng chỉ để đó chứ không thể làm được gì khác hơn. Nên việc tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này phải thận trọng và từng bước xử lý.
Có lẽ do nắm được yếu tố này nên các nhà đầu tư các dự án ven biển vẫn "án binh bất động" chờ cơ hội mặc cho chính quyền địa phương ra "tối hậu thư" cũng là điều dễ hiểu.