Quản lý, bảo vệ quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ

Cập nhật: 17/07/2014
Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ (1 trong 10 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt) những năm qua, đã nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Trung ương, địa phương. Bên cạnh việc khoanh vùng, cắm mốc, quần thể di tích cũng được địa phương tích cực quản lý, bảo vệ nhằm phát huy giá trị lịch sử.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết: Là đơn vị trực tiếp quản lý quần thể các di tích chiến trường Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả nhằm quản lý, bảo vệ toàn bộ di tích. Do các điểm di tích nằm rải rác cách xa nhau, trải rộng khắp lòng chảo Mường Thanh, Mường Phăng, nên hàng năm, đơn vị luôn phải duy trì hợp đồng nhân lực tại chỗ để đảm bảo công tác bảo vệ gìn giữ. Tuy nhiên, 100% đội ngũ này mới chỉ được trang bị một số kiến thức cơ bản, vì thế, đơn vị đã chú trọng bồi dưỡng những kiến thức chuyên môn sâu về công tác bảo vệ.

 

Bảo vệ, quản lý các di tích góp phần phát huy giá trị lịch sử.
Trong ảnh: Du khách tham quan di tích đồi A1.


Cùng với đó, các điểm di tích đều nằm trên đồi núi, đa số không có hàng rào bảo vệ... nên phụ thuộc một phần vào ý thức, trách nhiệm của người dân. Trong khi đó, tại các điểm di tích, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ các giá trị lịch sử chưa cao; đối tượng nghiện hút, trộm cắp nhiều. Để người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt của tổ dân phố, thôn, bản đã được tăng cường. Đưa tiêu chí không xả rác bừa bãi làm mất cảnh quan, vệ sinh môi trường vào bình xét danh hiệu gia đình văn hóa ở các địa bàn có di tích. Do đó, đến nay đã hạn chế tình trạng người dân tại phường Thanh Trường (T.P Điện Biên Phủ), xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) xả rác không đúng nơi quy định tại các di tích, đặc biệt là khu hầm Đờ Cát.


Nhằm bảo vệ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị đoàn trường, như: Đoàn thanh niên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, Trường THPT T.P Điện Biên Phủ, Tỉnh đoàn... tổ chức vệ sinh tại các điểm di tích. Từ đầu năm đến nay, hàng trăm cán bộ, đoàn viên thanh niên đã thực hiện vệ sinh, phát dọn khu vực Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; phát dọn, phun thuốc diệt cỏ các điểm, như: đồi A1, hầm Đờ Cát, đồi C1, đồi C2; bản Kéo, xe tăng tại khu trung tâm Mường Thanh, khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, khu đồi E1, đồi D1 (Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ), đường kéo pháo Nà Nhạn; Trận địa pháo H6, Trận địa pháo 105 với diện tích gần 5.220.000m2…


Bên cạnh việc quét dọn, vệ sinh, hiện nay, công trình mái che hiện vật ngoài trời tại hầm Đờ Cát và pháo 155 ly được bảo vệ trước những ảnh hưởng của thời tiết. Bằng nhiều nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, tại điểm di tích này đã được đầu tư hệ thống cột và dầm thép, xà gồ thép, móng bê tông cốt thép đá dăm và mái lợp bằng kính cường lực, tấm lợp thông minh, đã đáp ứng nhu cầu bảo vệ di tích của từng hạng mục. Công trình đưa vào sử dụng đã bảo vệ, giữ gìn, bảo quản lâu dài các hiện vật trong chiến tranh chống thực dân Pháp.


Với nhiều biện pháp tích cực, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh được quản lý, bảo vệ hiệu quả. Từ đó, góp phần phát huy giá trị lịch sử của các di tích.

 

Nguồn: baodienbienphu.com.vn