Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng)

Cập nhật: 23/07/2014
“Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trở thành một biểu tượng của Đà Nẵng. Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng phải làm sao không làm phá vỡ biểu tượng hoặc làm biến mất biểu tượng văn hóa này”.


Ý kiến của PGS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam tại Hội thảo “Phương án cải tạo và nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm” tổ chức ngày 17/7 tại Đà Nẵng.


Được xây dựng từ năm 1915, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất ở Việt Nam, nơi trưng bày những sưu tập tác phẩm nghệ thuật điêu khắc lớn nhất thế giới của Vương quốc Chămpa cổ. Không chỉ vậy, kiến trúc của bảo tàng được đánh giá là không gian kiến trúc đẹp nhất ở Việt Nam khi được phối hợp những đặc trưng kiến trúc tháp Chămpa và các chi tiết kiến trúc thuộc địa của Pháp. Hiện nay, bảo tàng này vẫn đứng vào nhóm khoảng 10 bảo tàng thu hút đông khách tham quan và là một trong 13 bảo tàng được xếp hạng I của cả nước.


Tuy nhiên, trải qua gần 100 năm tồn tại, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang đối mặt với nhiều vấn đề cần xử lý, trong đó vấn đề cơ bản là xử lý mối quan hệ giữa “bảo tồn và phát triển” đối với bản thân kiến trúc tòa nhà bảo tàng.


Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhìn nhận: "Nhìn chung, với trần, nền cao thấp khác nhau của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tạo sự kết nối thiếu mạch lạch giữa các không gian trưng bày. Diện tích Bảo tàng cũng thiếu để bố trí một số chức năng hoạt động theo yêu cầu. Với Bảo tàng Điêu khắc Chăm thì mâu thuẫn giữa yêu cầu giữ lại kiến trúc cũ và việc mở rộng không gian để đáp ứng yêu cầu phát triển là bài toán khó giải".


Tại Hội thảo, các chuyên gia và các nhà hoạt động văn hóa đã đề xuất một số giải pháp, phương án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cũng như trao đổi những kinh nghiệm quốc tế về cải tạo, mở rộng không gian và đổi mới trưng bày bảo tàng.


Theo GS, KTS Hoàng Đạo Kính, chỉ nên nâng cấp, kiện toàn cái hiện hữu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Việc kiện toàn về kiến trúc cần đặt trong chiều dài lịch sử, có sự nối tiếp, kế thừa những giá trị đã có của công trình cũ; cần đạt sự thống nhất về kiến trúc, nối kết không gian, không cơi nới nhiều…


Tại hội thảo, 3 phương án được đưa ra để cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm: Tìm địa điểm khác để xây mới tòa nhà Bảo tàng làm cơ sở 2 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm hoặc chuyển đổi công năng của Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay thành bảo tàng khác; giữ nguyên kiến trúc hiện nay, chỉ đầu tư sửa chữa, chống thấm dột, cải tạo nội thất trưng bày; giữ lại tòa nhà cũ xây dựng trước năm 1975 để bảo quản như một di sản kiến trúc, cải tạo tòa nhà sau để tăng thêm diện tích sử dụng, khắc phục những hư hỏng hiện nay của tòa nhà...


Các đại biểu tham dự hội thảo phần lớn đều nghiêng về phương án thứ ba, nhưng nhấn việc cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm là cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng, có sự hợp tác quốc tế ngay từ ban đầu và cần phải ứng xử như với một bảo tàng quốc gia.


“Cần tìm ra phương án tối ưu nhất trước khi đầu tư nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trên cơ sở đánh giá hiện trạng và lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để tránh sai lầm làm biến dạng, mất giá trị của  di tích độc đáo này". Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí khẳng định.


Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang lưu giữ các bộ sưu tập cực kỳ quý hiếm. Trong đó có 3 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, số còn lại đều là những báu vật quốc gia./.

 

Nguồn: Cinet