Xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề Hà Nội
Cập nhật: 25/07/2014
Các làng nghề truyền thống đóng góp một phần vào diện mạo văn hóa Hà Nội, có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo số liệu thông kê của Sở Công thương, hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 286 làng nghề truyền thống được công nhận. Tình trạng làng nghề phát triển trong những năm gần đây đã kéo theo ô nhiễm môi trường gia tăng, khiến không chỉ bản thân người dân làng nghề mà cả cộng đồng phải gánh chịu. Số lượng làng nghề tập trung đông đúc trên địa bàn thành phố đang thải ra môi trường ao hồ xung quanh một lượng nước thải lớn, một số làng nghề đang rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chủ yếu tập trung ở nhóm ngành nghề: tái chế kim loại, chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, dệt nhuộm, điêu khắc đá...
Theo điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm bởi COD, NH4, phenol; các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg khá cao. Nguồn nước bề mặt ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc bởi SS, BOD5, COD, NH4, NO2¸PO4, Hg, phenol, dầu mỡ, ecli, coliform... Môi trường đất đều có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng như đồng, kẽm tại tất cả các vị trí quan trắc...
Ảnh minh họa - Nguồn: internet
Kết quả khảo sát tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn thành phố cho thấy hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kì Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... nước thải phát sinh do quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, thường không được xử lý đã xả thải trực tiếp ra môi trường.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do ý thức người dân. Nhiều người biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn vi phạm, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước lại chưa chú trọng việc kiểm tra, xử lý. Một nguyên nhân khác là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình không có kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn... Bên cạnh đó, thiết bị, công nghệ sản xuất ở các làng nghề vẫn lạc hậu, mặt bằng thì chật hẹp...
Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã hoàn thiện xây dựng quy định về việc thực hiện Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội trong đó hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Sở cũng đang trình UBND thành phố xem xét phê duyệt, ban hành và dự kiến triển khai thực hiện trong tháng 7 năm 2014.
Trước đó, nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, phát triển làng nghề, đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn, ngày 04/12/2013, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND về: Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2020; Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề Thành phố Hà Nội; Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn Thành phố Hà Nội.
Trong đó nội dung hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề cụ thể như sau: Đối tượng, điều kiện áp dụng: doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng mới công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước thải, chất thải gây ra, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và nằm trong kế hoạch thực hiện hàng năm. Nội dung, mức hỗ trợ: Được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn.
Sau khi UBND thành phố ban hành quyết định quy định về việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ thực trạng ô nhiễm và khả năng nguồn lực, xây dựng kế hoạch, triển khai lập dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề theo Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 và thực hiện công tác hỗ trợ kinh phí theo quy định.