Đắk Lắk: Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 28/07/2014
Với ưu thế về điều kiện tự nhiên cũng như đời sống văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số tại chỗ và sự đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, những năm qua, lượng khách du lịch đến Đắk Lắk ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

*Giàu tiềm năng, nhưng kém hiệu quả

 

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, phía Bắc giáp với tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp với tỉnh Lâm Đồng; phía Đông giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Đắk Nông và nước bạn Campuchia. Vùng Bản Đôn, một địa danh hấp dẫn, nổi tiếng trên thế giới về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Bên cạnh đó, với 47 dân tộc anh em cùng chung sống trên phạm vi lãnh thổ cũng tạo cho Đắk Lắk một nền văn hoá vừa đậm đà bản sắc vừa mang tính đặc thù. Các sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc; các trường ca Đam San, Xinh Nhã, Đam Bri, Cây Nêu thần ... gây ấn tượng cho khách du lịch đến Đắk Lắk. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa là sản phẩm du lịch thu hút khách...

 

 

Du lịch bằng voi ở bản Đôn - Đắc Lắc (Nguồn: baoquangnam.com.vn)

 

     

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, ngành du lịch Đắk Lắk vẫn kém phát triển. Bức tranh chung của du lịch Đắk Lắk là nghèo nàn, đơn điệu và manh mún. Ông Đinh Một, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch- Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Đắk Lắk phân tích: Vấn đề cốt lõi trong phát triển du lịch là cần “giữ chân” du khách ở lâu hơn và “mua” được nhiều sản phẩm du lịch hơn, qua đó nhằm tăng nguồn thu cho địa phương và người dân. Thế nhưng, những sản phẩm du lịch ở Đắk Lắk rất nghèo nàn, đơn điệu và trùng lắp; thiếu các dịch vụ đi kèm, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao. Ngoài “đặc sản” du lịch về voi thì ngành du lịch Đắk Lắk vẫn chưa tạo ra được những sản phẩm hấp dẫn, mang đậm bản sắc Đắk Lắk. Hầu hết các điểm du lịch ở Đắk Lắk đều có các sản phẩm du lịch như nghe diễn tấu cồng chiêng, đi thuyền độc mộc, ăn cơm lam, uống rượu cần, ngắm thác nước …Ông Nguyễn Đức, Phụ trách Trung tâm Du lịch sinh thái Bản Đôn cũng thừa nhận: Sự “sao chép” vừa làm mất tính đặc trưng riêng có của điểm du lịch, vừa tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho du khách tham quan, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh trong du lịch. Nhiều người cho rằng chỉ cần đến một điểm là biết được cả ngành du lịch Đắk lắk. Bởi thế, du khách đến với Đắk Lắk thường “một đi không trở lại”...

 

*Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch

 

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu “Phấn đấu đưa ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk trở thành ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh vào năm 2020; định hướng đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”.

 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đắk Lắk đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, việc tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong và ngoài khu vực; giữa các doanh nghiệp với nhau được xem là một trong những giải pháp quan trọng ở giai đoạn hiện nay. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác sẽ giúp khai thác những thế mạnh, hạn chế được sự trùng lặp sản phẩm và dịch vụ, tránh tạo cảm giác nhàm chán cho du khách, giảm chi phí xúc tiến, quảng bá, đảm bảo hiệu quả.

 

Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua, Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến điểm đến tại các tỉnh bạn, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương tổ chức các hoạt động giới thiệu, xúc tiến điểm đến tại tỉnh; ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trao đổi, hợp tác cùng phát triển, xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn kết giữa các địa phương, cụ thể: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Đắk Lắk với thành phố Hồ Chí Minh; Kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng...

 

Theo nhiều doanh nghiệp làm du lịch ở Đắk Lắk, để hướng đến điều đó, rất cần ý thức của “người trong cuộc” khi bắt tay xây dựng và hoạch định cho một sản phẩm du lịch, cũng như chiến lược kinh doanh của mình. Phải lấy yếu tố lợi thế cạnh tranh làm đầu, nhất quyết từ bỏ ý nghĩ “người ta làm được, mình cũng làm được”, hoặc làm theo kiểu đua nhau một cách thiếu cân nhắc, tính toán. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch cũng phải vào cuộc mạnh mẽ để gắn kết các đơn vị làm du lịch nhằm cùng nhau chia sẻ lợi ích cho nhau và tạo ra bức tranh du lịch đa sắc màu, hấp dẫn mà không chồng chéo, lặp đi lặp lại như hiện nay.

 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, thì việc tăng cường hợp tác, liên kết phát triển là một giải pháp hiệu quả để thu hút du khách đến với Đắk Lắk. Để làm được điều này, chính quyền và doanh nghiệp phải cùng chung tay giải quyết những khó khăn, vướng mắc thì mới có hy vọng tạo đà khởi sắc. Từ đó làm bàn đạp vững chắc để giới thiệu, quảng bá và tăng tốc ngành kinh tế được xem là quan trọng của tỉnh đến năm 2020./.

Nguồn: dangcongsan.vn