Đầu thế kỷ XVI, do Thăng Long bất ổn về chính trị nên nhà Mạc đã tổ chức 4 khoa thi Hội tại trường thi Mao Điền. Trong đó có khoa thi Ất Mùi năm Đại Chinh thứ 6 (1535), trấn Hải Dương có Nguyễn Bỉnh Khiêm, người nổi tiếng Thủ khoa cả ba kỳ thi : Hương - Hội - Đình, được triều đình phong tặng Trạng nguyên.
Đến thời Tây Sơn (1788 -1802), để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với trường thi Hương (nay là Văn miếu Mao Điền và cánh đồng Tràng). Quy mô công trình rộng tới 10 mẫu (3,6 ha). Văn miếu xây dựng theo hướng Nam gồm các hạng mục: Bái đường, Hậu cung mỗi toà 7 gian, xây theo kiểu chữ Nhị ( ), Đông vu, Tây vu, gác khuê văn, gác Chuông, gác Khánh, đài Nghiên, tháp Bút, Nghi môn, Thiên Quang tinh và Khải thánh thờ thân Phụ và thân Mẫu của Khổng Tử. Các hạng mục được quy hoạch cân đối và đẹp mắt. Việc tế lễ và học tập diễn ra rất đông vui. Hàng năm vào ngày "Đinh" (T) đầu tháng "trọng xuân" (tháng Hai) và "Trọng thu" (tháng tám), trấn Hải Dương tổ chức lễ tế Khổng Tử, các quan đầu trấn, đầu phủ cùng cử nhân, tiến sỹ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống "Hiếu học và tôn sư, trọng đạo" của người tỉnh Đông.
Văn miếu và trường thi trấn Hải Dương có một lịch sử vẻ vang. Tại đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ nho học đứng vào hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075 - 1919), cả nước có 2898 tiến sỹ thì trấn Hải Dương có 637 vi, trong số 46 Trạng Nguyên, Hải Dương có l2 người. Đặc biệt là Hải Dương còn có " Lò tiến sỹ xứ Đông" thuộc thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Tại đây có 39 vị tiến sỹ nho học qua các thời kỳ lịch sử. Sau khi đỗ đạt, hầu hết các vị Đại khoa đều mang hết tài năng của mình để xây dựng đất nước.
Trong thời đại phong kiến, hệ thống cơ sở thờ tự Khổng Tử và tôn vinh các Đại khoa nho học được xây dựng ở hầu hết các địa phương. Tại Kinh đô và các trấn (lộ, xứ) có các văn miếu , còn các làng xã có các Văn chỉ.Tuỳ theo sự học phát triển mà các địa phương xây dựng Văn miếu, Văn chỉ với các quy mô khác nhau.
Văn miếu Mao Điền tồn tại khá nguyên vẹn tới năm 1947, đến năm 1948, giặc Pháp chiếm đóng và lập quận Mao Điền. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Văn miếu được sử dụng làm nơi chứa lương thực và vật tư của Nhà nước. Do năm tháng và chiến tranh, vào những năm 1980 - 1990, Văn miếu Mao Điền bị xuống cấp rất nghiêm trọng, hầu hết đồ thờ tự bị phá huỷ hoặc thất lạc. Năm 1991, cán bộ và nhân dân xã Cẩm Điền đã đóng góp công sức tu bổ cấp thiết di tích. Năm 1992, Bộ VHTT đã ra Quyết định số 97/QĐ-VH xếp hạng Văn miếu Mao Điền là di tích lịch sử quốc gia.
Văn miếu Mao Điền tiếp tục được đầu tư tu bổ tôn tạo và quy hoạch mở rộng. Các hạng mục kiến trúc tiếp tục được xây dựng và cải tạo, tu bổ cùng với hệ thống cây xanh bao bọc sẽ tạo nên vẻ đẹp mới, xứng với một di tích lịch sử quốc gia tôn thờ các danh nhân và các anh hùng đã làm vẻ vang đất nước. Tại nơi đây diễn ra các hoạt động : Lễ hội truyền thống, tuyên dương học sinh giỏi, gặp mặt các tiến sỹ Hải Dương thời hiện đại, hội thảo khoa học, diễn xướng văn nghệ dân gian, hội trại học sinh sinh viên ...Với những hoạt động có ý nghĩa trên, Văn miếu Mao Điền xứng đáng là nơi tôn vinh văn hiến tỉnh Đông và là địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước về thăm tỉnh Hải Dương./.