Đa dạng sinh học của các hệ sinh thái biển là nền tảng cho việc phát triển bền vững một số ngành kinh tế biển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược biển. Vì vậy, việc xây dựng đa dạng sinh học biển trở thành thương hiệu cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế là thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Hiện trạng đa dạng sinh học biển
Thạc sỹ Hoàng Đình Chiên, Viện Nghiên cứu Hải sản cho rằng để xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển Việt Nam, cần phải chứng minh được tính đa dạng sinh học cao và chứa đựng nhiều đặc trưng riêng của vùng biển Việt Nam so với các vùng biển của quốc gia khác, từ đó đưa ra các định hướng và giải pháp cho việc xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Đến nay, ở biển Việt Nam sơ bộ ghi nhận có hơn 20 kiểu hệ sinh thái khác nhau với một số hệ sinh thái điển hình, như hệ sinh thái cửa sông ven biển, hệ sinh thái bãi bồi, vùng triều, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô. Hệ sinh thái cửa sông ven biển đã xác định được 77 loài thực vật ngập mặn, 150-280 loài thực vật phù du, 40-180 loài động vật phù du, trên 400 loài động vật đáy, 14 loài cỏ biển, 615 loài cá biển.
Sự đa dạng về thành phần loài khác nhau giữa các vùng miền rõ rệt, trong đó vùng cửa sông Đồng bằng Bắc Bộ đã thống kê được 185 loài thực vật phù du, 170 loài động vật phù du, 400 loài động vật đáy. Các vùng cửa sông ven biển miền Trung có 171 loài thực vật phù du, 33 loài động vật phù du, 150 loài động vật đáy. Vùng Đông Nam Bộ bắt gặp 63 loài thực vật phù du, 19 loài động vật phù du, 116 loài động vật đáy và khu vực cửa sông Cửu Long ghi nhận 119 loài thực vật phù du, 79 loài động vật phù du và 82 loài động vật đáy.
Như vậy, có thể nhận thấy vùng biển Việt Nam có tính đa dạng sinh cảnh cao với nhiều kiểu hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái vùng triều, rừng ngập mặn và hệ sinh thái rạn san hô. Trong các kiểu hệ sinh thái đó, tính đa dạng thành phần loài cũng rất phong phú, có nhiều nhóm được ghi nhận trên 1.000 loài như 1.969 loài động vật thân mềm trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, 1.258 loài cá rạn san hô trong hệ sinh thái rạn san hô. Đây là một cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường, một số vùng biển, ven bờ và các đảo của Việt Nam có giá trị đa dạng sinh học cao, có giá trị mỹ học cảnh quan sinh thái, có giá trị độc đáo quý hiếm chính là những yếu tố quan trọng để tạo nên thương hiệu kỳ quan sinh thái cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Đặc biệt có 10 kỳ quan sinh thái nổi bật nhất ở vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam. Đây cũng là một trong những cơ sở khoa học có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển, khai thác bền vững đa dạng sinh học trở thành thương hiệu biển của Việt Nam trong tương lai.
Những yếu tố ảnh hưởng
Hiện ở Việt Nam có rất nhiều hoạt động khai thác phá vỡ các sinh cảnh biển. Việc sử dụng lưới kéo đáy, sử dụng mìn phá vỡ rạn san hô khiến nhiều loài sinh vật không có nơi cư trú, từ đó làm giảm sút đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô. Việc chuyển đổi đất rừng và các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến việc mất hay phá vỡ các hệ sinh thái, nơi cư trú và các sinh cảnh tự nhiên.
Chất lượng môi trường nước hiện nay ở Việt Nam đã xuống cấp. Các khu nuôi cửa sông ven biển thải rác thải, thức ăn ôi thiu khiến môi trường bị ô nhiễm. Nhiều thành phần môi trường bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm do các chất thải khác nhau không được xử lý đổ ra môi trường là nguyên nhân đe dọa tới đa dạng sinh học như gây chết, làm giảm số lượng cá thể, gián tiếp hủy hoại nơi cư trú và môi trường sống của các loài sinh vật hoang dã. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã được ghi nhận ở nhiều nơi như vùng biển Cát Bà, Bạch Long Vĩ trong năm 2012-2014.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên thế giới với các hiện tượng nhiệt độ tăng, nước biển dâng và kèm theo là thiên tai và các yếu tố thời tiết cực đoan. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái vốn bị chia cắt ở Việt Nam sẽ phản ứng kém hơn trước với những sự thay đổi này và có thể sẽ không tránh khỏi sự suy giảm nhanh các loài sinh vật. Vào cuối thế kỷ 21, sẽ có 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (27%), 46 Khu bảo tồn (33%), 8 khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu có đa dạng sinh học quan trọng khác (21%) ở Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố danh sách 48 loài động vật thủy sinh lạ xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó, 10 loài được đánh giá là không có tác động xấu tới đa dạng sinh học biển và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống được xếp vào mục “trắng”; 24 loài chưa rõ có tác động xấu đến đa dạng sinh học biển và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống hay không nhưng cần phải tiếp tục theo dõi được xếp vào mục “xám”; 14 loài có tác động xấu tới đa dạng sinh học biển và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống, cần quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên được xếp vào mục “đen.”
Một số lượng lớn dân số Việt Nam sống dựa vào đánh bắt thủy sản. Việc gia tăng mức độ tiêu thụ cộng với việc quản lý đánh bắt kém hiệu quả đã dẫn tới việc khai thác thủy sản quá mức ở nhiều vùng, làm suy giảm tổng lượng đánh bắt. Nhiều loài hải sản có giá trị cao bị suy giảm nghiêm trọng như tôm hùm, bào ngư, hải sâm... Các kỹ thuật đánh bắt mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc và sốc điện để đánh bắt cá đang lan tràn cả trong nội địa và vùng duyên hải gây ra mối đe dọa cao đối với hơn 80% rạn san hô của Việt Nam.
Định hướng, giải pháp xây dựng thương hiệu
Trước hết, việc xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển là xây dựng các thương hiệu cho các loài đặc hữu và kỳ quan sinh thái của Việt Nam, để khai thác tiềm năng này cho việc phát triển kinh tế biển đảo trong tương lai. Khi mà đa dạng các loài đặc hữu, đa dạng sinh cảnh độc đáo trở thành thương hiệu sẽ góp phần tạo nên thương hiệu đa dạng sinh học biển cho Việt Nam.
Xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển gắn với thương hiệu quốc gia. Nếu xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển tốt nhưng thương hiệu quốc gia không được đánh giá cao, thương hiệu đa dạng sinh học biển đó cũng sẽ dần biến mất trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong chiến lược biển việc gắn kết, khai thác các tiềm năng kinh tế của biển gắn liền với khai thác tiềm năng phát triển của đất nước, phục vụ cho sự phát triển nhanh hơn của các vùng trong nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong phạm vi đa dạng sinh học biển, xây dựng thương hiệu cũng phải luôn gắn liền với xây dựng thương hiệu của quốc gia, mỗi vùng của đất nước.
Mặt khác, xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển gắn với quản lý, khai thác bền vững bởi thương hiệu đa dạng sinh học biển chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó mang lại giá trị kinh tế cho đất nước. Vì vậy, việc quản lý, khai thác bền vững giá trị thương hiệu là rất cần thiết.
Xây dựng thương hiệu đa dạng sinh học biển Việt Nam cần phải tính đến việc kết hợp vấn đề kinh tế với quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Việc khai thác tiềm năng kinh tế đa dạng sinh học biển cần chú ý đến bảo vệ chủ quyền đất nước, nhất là ở các vùng có sự tranh chấp; gắn với trách nhiệm của cộng đồng, trách nhiệm của doanh nghiệp, của mỗi vùng và của cả quốc gia; nhanh chóng đưa các khu bảo tồn biển vào hoạt động hiệu quả; tiến hành khoanh vùng bảo vệ bãi đẻ các loài kinh tế, đặc hữu; tiến hành bảo tồn các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng...
Luật Đa dạng sinh học là cơ sở pháp lý để thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần phải kiểm soát nghiêm ngặt việc thực hiện luật đồng thời truyền thông luật đa dạng sinh học tới toàn bộ cộng đồng ngư dân ven biển, đảo Việt Nam để người dân hiểu và cùng thực hiện. Cơ quan chức năng cũng cần thực hiện các chương trình giám sát quốc gia về đa dạng sinh học biển để có những biện pháp kịp thời giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để xây dựng thương hiệu biển trong hội nhập quốc tế, không thể thiếu công tác quảng bá thông tin về đa dạng sinh học biển, đi đôi với việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia trên thế giới cùng thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Các đơn vị chức năng của Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực đa dạng sinh học như IUCN, WWF để cùng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thương hiệu đa dạng sinh học biển cho Việt Nam./.