Có nên giao quyền quản lý di sản cho tư nhân hay không? Đây là vấn đề đang được xã hội rất quan tâm- xuất phát từ chủ trương cho tư nhân đấu thầu và tham gia quyền quản lý và khai thác di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mới đây của UBND tỉnh Quảng Ninh. "Tôi ủng hộ chủ trương khai thác để di sản phát huy tốt hơn những giá trị nó đang chứa đựng. Chỉ có điều, giao cho tư nhân không có nghĩa là khoán trắng thu tiền”, PGS.TS Phạm Trung Lương nói.
1. Với cung cách quản lý và khai thác di sản như hiện nay, việc chuyển xu thế là đúng hướng. Chính quyền các địa phương đang quản lý di sản, nhưng lại hạn chế khai thác, khiến di sản khó phát huy tác dụng. Phát huy ở đây không nên hiểu theo nghĩa là làm ra tiền, mà là làm sao tạo được điều kiện tốt nhất để người dân, cộng đồng tiếp cận và hưởng thụ những giá trị (tinh thần) từ di sản của tiền nhân để lại.
Điều mà ai cũng thấy là thời gian qua quản lý và khai thác di sản theo cung cách cũ không có hiệu quả về mặt kinh tế. Còn tới đây, với trường hợp cụ thể như di sản Vịnh Hạ Long, nếu giao cho tư nhân, cho doanh nghiệp quản lý và khai thác, họ sẽ có cách làm riêng của họ. Đơn cử như việc sửa sang lại bến tàu, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch chuyên nghiệp hơn…Nhưng chưa ai nói được điều gì phía sau cả, bởi trước mắt đó mới chỉ là cam kết của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Điều khiến cả nhà quản lý cũng như các nhà nghiên cứu về văn hóa, di sản đang băn khoăn là khi giao quyền quản lý khai thác di sản cho tư nhân, có thể sẽ xảy ra một khả năng là chưa chắc số đông người dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ do doanh nghiệp định giá. Có thể thấy, chủ trương đúng, xu thế đúng, nhưng đây cũng chính là vấn đề mà sau này xã hội sẽ phản ứng nhất. Hiện nay cứ bảo nhà nước quản lý, khai thác kém, nhưng dù sao người dân cũng được tiếp cận với các loại hình di sản. Nỗi lo mơ hồ đang đặt ra là liệu tư nhân quản lý, cứ cho là tốt hơn đi, thì đại bộ phận người dân có được tiếp cận di sản dễ dàng như hiện nay không? Vì thế, trước khi đi đến quyết định chính thức cho tư nhân khai thác và quản lý di sản, phải chỉ ra được những chỗ yếu kém của cơ chế quản lý cũ. Ở góc độ nghiên cứu phát triển du lịch, tôi cho rằng với Vịnh Hạ Long, trước khi chuyển hẳn sang một mô hình mới, nên có một mô hình trung gian là tốt nhất. Nghĩa là nhà nước vẫn phải quản lý, nhưng mở rộng quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động cần phải có sự quản lý của nhà nước, chứ không giao khoán trọn gói cho doanh nghiệp. Cách làm này sẽ khiến nhà nước không mang tiếng "bán di sản”.
2. Nhìn rộng ra về khai thác du lịch di sản hiện nay, cũng còn nhiều điều cấn cá. Việt Nam đang sở hữu rất nhiều loại hình di sản đã được thế giới phong danh. Bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể, rồi cả di sản thiên nhiên thế giới. Trong đó có những di sản đang đồng hành cùng cộng đồng, cùng cuộc sống như phố cổ Hội An. Nghĩa là di sản ấy vẫn đang sống từng ngày. Và cũng có những di sản khô cứng như Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ… "Khô cứng” ở đây có nghĩa là không có dân sống trong vùng di sản. Thời gian qua chúng ta đang định hướng về khai thác vật thể, nghĩa là gắn du lịch với di sản; tuy nhiên với di sản phi vật thể, để khai thác nó đơn độc theo nghĩa là di sản thì rất khó.
Vừa rồi, tại hội nghị bàn phương hướng phát triển du lịch ĐBSCL, tôi có nói về câu chuyện đờn ca tài tử. Theo đó đờn ca tài tử để xây dựng thành một sản phẩm riêng như cách làm của Bạc Liêu kỳ vọng là không hiệu quả. Tôi chắc chắn khách du lịch sẽ không thích đến ngồi nghe các nghệ sĩ hát đờn ca tài tử trên sân khấu, vì nét đặc trưng của đờn ca tài tử là nó len lỏi trong cuộc sống. Trong một bữa ăn, khi giao lưu người ta hát đờn ca tài tử thì đấy mới là đặc sản "xịn”, là điều hấp dẫn du khách bốn phương.
Nói câu chuyện đó để minh chứng rằng, những di sản phi vật thể không thể phát triển một cách độc lập mà không gắn nó với không gian sống. Với di sản phi vật thể, cách khai thác cũng phải khác đi. Chúng ta cứ tưởng đi du lịch chỉ cần đến nhìn nhìn, ngó ngó thì ra tiền. Hiểu như thế là không đúng. Có những cái phải thổi hồn vào nó.
Chỗ này, tôi muốn nói thêm rằng di sản trần trụi chỉ là một tài nguyên thôi. Mà tài nguyên chỉ là một yếu tố cốt lõi để hình thành nên sản phẩm. Nếu chỉ nhăm nhăm thu tiền từ di sản, tăng giá vé tham quan di sản… mà tiền ấy lại không phục vụ lại lợi ích của cộng đồng, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ của du khách thì người ta phản ứng là đúng. Du khách chấp nhận trả phí tham quan cao, nhưng chất lượng dịch vụ phải tương xứng. Mà muốn như vậy, thì phải đầu tư từ những thứ tưởng như nhỏ nhất là đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết trình viên du lịch có nghề, am hiểu để làm cầu nối giữa du khách với di sản. Thêm nữa, là phải tạo được không gian cho di sản- chỗ này chúng ta đang hạn chế, nếu như không muốn nói là đang làm rất trần trụi. Chẳng hạn như cồng chiêng Tây Nguyên, khi mang ra Hà Nội để biểu diễn, sẽ kém hấp dẫn đi rất nhiều so với những thanh âm vang lên giữa Tây Nguyên đại ngàn.
3. Từ những thực tế phân tích ở trên, có thể nói cách khai thác di sản của chúng ta đang chủ yếu theo cơ chế áp đặt. Hay nói thẳng ra là bị áp đặt bởi những người chưa hiểu biết đầy đủ về khai thác du lịch di sản. Đấy chính là một trong những nguyên nhân tại sao Việt Nam là một trong những đất nước có rất nhiều di sản nhưng vẫn đang loay hoay, lúng túng trong cách làm.
Vì thế, dù tự hào với những di sản Việt Nam được UNESCO phong danh thời gian qua, nhưng tôi cũng chung quan điểm với nhiều nhà nghiên cứu là chúng ta đang mắc bệnh hình thức quá. Đáng lý, trước khi mình muốn đề xuất, tôn vinh di sản nào, hẳn phải mường tượng ra sau khi được tôn vinh thì di sản ấy sẽ có đời sống ra sao, khai thác di sản thế nào, theo hướng bảo tồn hay phát huy… Rõ ràng chúng ta mới đang nghĩ đến cái trước mắt mà chưa có bước chuẩn bị về lâu dài. Chỉ biết rằng hiện nay sau mỗi một di sản được phong danh, việc tổ chức lễ nhận bằng đang tốn quá nhiều tiền. Nhưng sau rồi làm gì tiếp theo thì không ai trả lời.
(Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch)