Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hình ảnh điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện

Cập nhật: 25/08/2014
Đánh giá về hiệu quả của mô hình liên kết xúc tiến quảng bá du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết là trọng tâm du lịch hàng đầu của cả nước (chiếm 55% lượng du khách quốc tế), Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện có hiệu quả trong việc tạo dựng sản phẩm hấp dẫn du khách thông qua liên kết giữa các địa phương, các hãng vận chuyển, các hàng không, lữ hành, khách sạn.


Muốn phát triển du lịch bền vững, ổn định, Việt Nam không thể làm du lịch theo kiểu “bóc ngắn, cắn dài” và mô hình ở Thành phố Hồ Chí Minh chính là giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút du khách trong thời điểm ngành du lịch đối mặt với nhiều khó khăn sau những căng thẳng về vấn đề Biển Đông thời gian qua.


Hình thành các sản phẩm hấp dẫn


Được ví như một "chợ du lịch," vào mỗi sáng sớm, con phố Đề Thám (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) luôn đông đúc và tập nập với hàng đoàn xe đưa đón du khách của các hãng lữ hành thực hiện hành trình thăm quan các điểm đến trong và ngoài thành phố.


Chị Thu Trang (Phụ trách du lịch nội địa, Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ) cho biết riêng công ty của chị hàng ngày có ít nhất từ 200-300 khách đi các tour từ 1-5 ngày, chưa kể các doanh nghiệp du lịch khác. Giá tour tại thành phố hiện cũng khá rẻ, phù hợp với mọi đối tượng du khách, từ cao cấp đến bình dân. Tại đây, các công ty du lịch đã liên kết với nhau để có thể tập hợp ghép đoàn hoặc ghép khách lẻ vừa tiết kiệm được chi phí, lao động của công ty cũng như phục vụ du khách được tốt hơn.


Chị Elisa Lostale, du khách người Australia, bày tỏ các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, đã hình thành được những tour, tuyến có thể nói là khá hay và mới lạ. Đây là lần thứ ba chị quay lại Thành phố Hồ Chí Minh và thực hiện tour miền Tây Nam Bộ. Mỗi lần đi chị lại thấy tour này có nhiều thay đổi và luôn cuốn hút chị. Vì vậy, về nước chị cũng đã giới thiệu tuyến du lịch này cho bạn bè.


Đưa cả nhà đến thăm quan Thành phố Hồ Chí Minh và tour du lịch miền Tây cũng là sự lựa chọn của gia đình chị Đoàn Phương, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Chị Phương tâm sự, chị thực sự hài lòng và thấy được nghỉ ngơi thư giãn khi tham gia tour du lịch này. Đặc biệt là phong cách phục vụ chu đáo của công ty cũng như hướng dẫn viên du lịch. Suốt trong hành trình gia đình chị, nhất là các cháu nhỏ luôn nhận được sự quan tâm mặc dù đoàn khá đông du khách.


Khảo sát tour du lịch có sự liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương Tây Nam Bộ cho thấy, với thời gian từ 1-2 ngày, từ nhiều năm qua, tuyến du lịch miền Tây Nam Bộ vào mỗi dịp Hè đến đã thu hút rất nhiều du khách quan tâm, đặt tour đang được các công ty lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh khai thác khá hiệu quả.


Để thực hiện những tour du lịch theo loại hình này, các công ty lữ hành du lịch Thành phố đã liên kết với các địa phương có nhà vườn cũng như các cơ sở để du khách có thể vừa thăm quan, vừa kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa thông quan các chương trình như nghe đờn ca tài tử, thăm và tìm hiểu được cách sản xuất đặc sản kẹo dừa Bến Tre, thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở Mỹ Tho (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)...


Chị Khánh Hòa, cơ sở sản xuất kẹo dừa Quê Dừa (Bến Tre) cho hay, nhờ liên kết với các công ty du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh nên trung bình mỗi ngày riêng cơ sở của chị đón từ 4-5 đoàn khách du lịch. Điều này đã giúp các cơ sở sản xuất kẹo dừa tại đây tiêu thụ được sản phẩm, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhất là đội ngũ phục vụ du thuyền và thuyền ba lá cho du khách.


Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện Thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương tích cực hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng khai thác đầu tư, nâng cấp các sản phẩm du lịch truyền thống; đầu tư xây dựng các sản phẩm và các loại hình du lịch, phát huy liên kết vùng, liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư tôn tạo và khai thác tài nguyên du lịch đặc thù. 


Hiện có rất nhiều tour du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với các địa phương được du khách quốc tế quan tâm, thích thú như Thành phố Hồ Chí Minh-Thới Sơn (Tiền Giang); Thành phố Hồ Chí Minh-Bến Tre-Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh-Phú Quốc… Không chỉ hợp tác để quảng bá hình ảnh địa phương, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương còn tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng phạm vi thị trường quảng bá ra nước ngoài.


Xây dựng điểm đến an toàn và thân thiện


Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, cải thiện môi trường du lịch, nâng cao hình ảnh “Thành phố Hồ Chí Minh-Điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn”, Thành phố thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên cơ sở tăng cường quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế.


Các thị trường của du lịch thành phố được xác định tập trung trong thời gian tới là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Mỹ, Nga, Australia, Trung Đông, Ấn Độ. Đồng thời, thúc đẩy thị trường du lịch nội địa thông qua chương trình kích cầu du lịch nội địa.


Thành phố cũng đã sớm hình thành các trung tâm hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch trên Thành phố với việc cung cấp số điện thoại “nóng” để du khách kịp thời phản ánh đến với các đơn vị chức năng sớm vào cuộc giải quyết. Qua đó, địa phương chủ động chấn chỉnh các dịch vụ làm ăn chụp giật và củng cố chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, tạo hình ảnh du lịch tốt đẹp tới du khách.


Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến, con người Thành phố với khách quốc tế; phối hợp liên ngành tiếp tục tăng cường công tác an ninh du lịch.


Cùng với việc tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố trong đó tập trung phát triển du lịch đường thủy đặc biệt là du lịch đường thủy nội đô, phát triển hệ thống dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch, đẩy mạnh truyền thông chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị,” thành phố sẽ tổ chức tốt các sự kiện du lịch gắn kết với văn hóa, thể thao, tạo hiệu ứng thu hút khách quốc tế đến với địa phương.


Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức mời, đón một số đoàn Famtrip, Presstrip nước ngoài dành cho các doanh nghiệp lữ hành, báo chí nước ngoài từ các thị trường trọng điềm và tiềm năng (Đài Loan, Indonesia…) đến chứng kiến, thông tin về sự an toàn, thân thiện, hấp dẫn của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng chuyên mục du lịch trên truyền hình, phát thanh. Thành phố cũng khai trương chính thức Tổng đài thông tin du lịch 1087 phục vụ nhu cầu thông tin du lịch của điểm đến thành phố cho du khách quốc tế và trong nước.


Thành phố đang tập trung tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế ITE-HCMC 2014 với nội dung tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch hình ảnh Việt Nam, hình ảnh “5 quốc gia-1 điểm đến," kích cầu du lịch quốc tế, đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, đặc biệt là chương trình người mua, người bán từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN, Nga, Australia; đồng thời, mời các hãng lữ hành của thị trường du lịch quốc tế mới của Việt Nam như Ấn Độ, Trung Đông, Indonesia… tới khảo sát các tuyến du lịch của Thành phố.


Tuy nhiên, trong tình hình dịch Ebola đang diễn biến phức tạp ở một số nước trên thế giới, Thành phố sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt những du khách tới từ những nước có dịch bệnh này nhằm tránh việc dịch bệnh này đến Việt Nam.


Để đa dạng hóa loại hình du lịch và thu hút du khách tiến tới đổi mới các chương trình du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề ra chiến lược phát triển du lịch đường sông từ 2013-2015 và định hướng đến 2020 với việc đầu tư 11.000 tỷ đồng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đường sông. Theo đó, thành phố đã và đang xây dựng năm luồng tuyến chính dành cho du lịch đường sông.


Từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ cải tạo xây dựng 50 bến tàu, cầu tàu và kết nối đường bộ tới các điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông; xây dựng ba điểm du lịch tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và quận 9./.

 

Nguồn: TTXVN